Thái Nguyên xử lý 32 vụ vi phạm về nhập lậu, hàng giả trên sàn thương mại điện tử

author 17:02 10/06/2024

(VietQ.vn) - Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội trở thành vấn đề rất nóng.

Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở tất cả mọi mặt (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) hoạt động thương mại điện tử sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống xã hội, qua đó đưa thương mại điện tử dần thay thế một số hoạt động thương mại truyền thống, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước nói chung và địa phương tỉnh Thái Nguyên nói riêng

Tuy nhiên nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng,.. đang diễn ra với chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường.

Cục QLTT Thái Nguyên kiểm tra hàng hóa vi phạm

Số vụ vi phạm không ngừng tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online. Đáng nói, hình thức livestream bán hàng “nở rộ”... khiến nhiều mặt hàng làm giả, nhái, nhập lậu còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng khiến lượt bán tăng cao, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đặt lòng tin và bỏ tiền mà không biết mình sẽ nhận về những sản phẩm kém chất lượng.

Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các website bán hàng của các doanh nghiệp, các hình thức mua bán qua trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, website,… (facebook, zalo, Tiktok, Shopee…).

Kết quả, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 33 vụ, xử lý 32 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 750 triệu đồng. Trong đó tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 400 triệu đồng.

Vụ việc gần đây nhất, Đội QLTT số 1 đã phát hiện, thu giữ và buộc tiêu hủy 110 chiếc máy đốt tinh dầu nhập lậu (thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá thế hệ mới) có tổng trị giá gần 20 triệu đồng kinh doanh qua kênh mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, ngày 21/5/2024, qua thực hiện các biện pháp thẩm tra, xác minh theo dõi hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook của tài khoản có tên “N.T.L” bán các sản phẩm là máy đốt tinh dầu (thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá thế hệ mới), Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 đã thực hiện khám 1 thùng catton do ông N.T.L làm chủ, khi ông N.T.L vừa nhập hàng về để bán (tại địa chỉ Tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện bên trong đồ vật là 01 thùng cattong có chứa 110 chiếc máy đốt tinh dầu (thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá thế hệ mới) của các nhãn hiệu: Coolplay, MESH, VSTICK PTO có tổng trị giá hàng hóa gần 20 triệu đồng.

Liên quan tới nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, song cũng đặt ra những áp lực, thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Các đối tượng kinh doanh online có nhiều thủ đoạn mới để đối phó, khiến việc phát hiện các vi phạm của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên các trang web thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram,...

Ngoài ra, theo ông Linh, sau nhiều đợt truy quét quyết liệt của lực lượng QLTT, hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn, kho hàng ở nhiều khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, triệt phá. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Do đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, xử lý, thực hiện theo Đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử nhằm từng bước xây dựng thị trường TMĐT minh bạch và lành mạnh hơn.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang