Nhiều cán bộ xuất nhập cảnh dính tới đường dây ‘Việt kiều hồi hương’ nhập lậu ô tô

author 14:30 30/12/2015

(VietQ.vn) - Cả 4 bị can Vinh, Thạnh, Nguyên và Lam đã bị cơ quan công tố của TP.HCM truy tố về tội danh “Buôn lậu” do có dính líu tới đường dây mạo nhận Việt kiều hồi hương để mang ô tô nhập lậu, kiếm lời về Việt Nam.

Sáng ngày 30/12, Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử công khai 4 bị cáo: Nguyễn Quang Vinh (33 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM), Trần Thái Nguyên (33 tuổi, ngụ tại tỉnh Lâm Đồng), Trần Phước Thạnh (SN 1967, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) và Nguyễn Giang Lam (40 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) để làm rõ về hành vi “Buôn lậu”.

Các bị cáo bị truy tố theo điểm a, khoản 4 của điều 153 – Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi và bổ sung năm 2009.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, đại diện cho cơ quan công tố giữ vai trò kiểm sát tại phiên tòa đã công bố cho biết, toàn bộ những đối tượng này đã móc nối với chủ của 7 salon ô tô tại TP.HCM để tìm ‘đầu ra’ cho ô tô nhập lậu.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là đi tìm các Việt kiều hồi hương về nước, nhưng không có nhu cầu mua xe ô tô cá nhân, nhập về nước, gặp gỡ và thảo luận, mua lại các suất được phép mua ô tô nhập này với giá từ 1.000 – 9.000 USD/suất.

Số Việt kiều này sẽ đứng tên, nhập xe ô tô từ Mỹ, còn các thủ tục, hồ sơ xin xuất nhập cảnh cho các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ về Việt Nam, nhóm bị cáo này sẽ trực tiếp thực hiện.

Chỉ trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012), các bị cáo này đã thuê được 54 Việt kiều, đứng tên và nhập 54 xe ô tô đắt tiền về Việt Nam,, chủ yếu là các nhãn hiệu Honda, Lexus, Audi, Land Rover, Toyota, Porsche...với tổng giá trị tiền là hơn 5 triệu 178 ngàn USD.

Các bị cáo này đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 64 tỷ đồng, còn số tiền thuế được miễn, đáng lẽ phải nộp là các loại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt trị giá đến gần 220 tỷ đồng.

Các chủ salon ô tô tại TP.HCM cho biết, các loại xe đắt tiền này, sau khi đã trừ đi các khoản thuế, thì khi nhập khẩu bằng con đường Việt kiều hồi hương sẽ có giá rẻ hơn một nửa so với giá nhập chính ngạch, xe đang được bán trên thị trường.

Chủ tọa phiên tòa tham gia xét hỏi các bị cáo trong đường dây nhập lậu ô tô về VN - ảnh: H.T

Ngoài ra, nhóm các bị cáo này còn móc nối với rất nhiều cán bộ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh của TP.HCM và Bộ Công an, hiện đang công tác tại đồn Công an cửa khẩu ở các sân bay quốc tế lớn tại Việt Nam, để đóng xuất nhập cảnh khống của cơ quan có trách nhiệm lên hộ chiếu của các Việt kiều hồi hương, để các đối tượng này được thuê đứng tên để nhập khẩu về nước các loại ô tô đắt tiền.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Giang Lam – nguyên là cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP.HCM đã đóng dấu xuất nhập cảnh khống cho hơn 10 Việt kiều, để thu lợi bất chính cho mình 360.000 USD.

Cùng lúc, hàng chục cán bộ xuất nhập cảnh trực thuộc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP.HCM và Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an cũng đã có hành vi giúp đỡ đồng chí, đồng đội đóng dấu xuất nhập cảnh khống cho Việt kiều, do quá tin tưởng, chứ không vì mục đích lợi nhuận, kiếm tiền về mặt vật chất, nên chỉ kiến nghị cơ quan quản lý xử lý kỷ luật, Thanh tra Bộ Công an cần xử lý kỷ luật theo đúng qui định của ngành.

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa sáng nay, các bị cáo đều đồng loạt cho rằng, cáo trạng đã truy tố mình không đúng tội, không phạm tội “Buôn lậu”, mà đây chỉ là việc làm dịch vụ, không buôn bán trái phép hành hóa qua biên giới, không ký hồ sơ khống…

Nhiều Việt kiều có mặt tại phiên tòa cũng đã được Chủ tọa Vũ Thanh Lâm xét hỏi, đều khai rằng khi biết mình là Việt kiều về nước, Nguyễn Giang Lam đã dụ dỗ bằng nhiều cách, hỏi mua lại suất đưa ô tô đắt tiền về nước theo dạng Việt kiều hồi hương. Giang Lam mua những suất của các Việt kiều này với giá hàng ngàn USD khác nhau, tùy theo từng Việt kiều.

Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc trong chiều ngày 31/12.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang