Nhiều cửa hàng ngang nhiên buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục

author 16:00 05/11/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra hàng loạt đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thuốc kém chất lượng, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng vào cuộc xử lý tình trạng thuốc ngoài danh mục (không được phép sản xuất, mua bán do có độc tính cao, nếu tồn dư trên nông sản gây nguy hại cho người và vật nuôi).

Cụ thể, khi kiểm tra cửa hàng do bà Hoàng Thị Lan làm chủ (tại xã Gia Kiệm, Thống Nhất), lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này có hành vi "Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Buôn bán sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam". 

Sản phẩm vi phạm là chế phẩm diệt côn trùng Samper Gold 55 0EC, hiệu Vua Ruồi Muỗi, sản xuất ngày 27/02/2020 do Công ty TNHH sản xuất thương mại An Gia Phú (số 40/17/9 Đường số 7, KP 12, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, TPHCM.) đăng ký, sản xuất và phân phối.

Cũng tại cửa hàng của bà Hoàng Thị Lan, lực lượng chức năng còn phát hiện có hành vi "Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó đối với sản phẩm".

Đó là Thuốc trừ sâu Bakari 86 EW, hiệu Ruồi Vàng Super sản xuất ngày 06/11/2018 do Công ty TNHH Hóa sinh Phú Phong (số 194 Tổ 2 ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đăng ký, sản xuất và phân phối. Với 3 hành vi vi phạm, cửa hàng bà Hoàng Thị Lan bị xử phạt 8.800.000 đồng.

Tại xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng do ông Vũ Văn Minh có hành vi buôn bán 1 sản phẩm không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Đó là sản phẩm Hoạt chất diệt côn trùng Santoso 100SC hiệu Siêu Bọ Trĩ có sản xuất ngày 01/04/2020, và hạn sử dụng 03 năm do Công ty CP TM Vina Thái (35/51A1, Nguyễn Thị Búp, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) phân phối và chịu trách nhiệm. Với hành vi trên cơ quan chức năng xử phạt cửa hàng 4.000.000 đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại một đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: báo Đồng Nai

Tương tự, tại cửa hàng Nguyễn Thanh Tâm xã Phú Lập, Tân Phú, lượng chức năng tiếp tục phát hiện có hành vi buôn bán sản phẩm không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đó là sản phẩm hoạt chất diệt côn trùng Santoso 100SC (hiệu Cú đấm thép) sản xuất ngày 01/07/2019 có hạn sử dụng 03 năm do nhà phân phối Vũ Đình Nhận ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Với hành vi trên cửa hàng bị xử phạt 4 triệu đồng.

Tại huyện Trảng Bom cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng Gịp A Cẩu thuộc xã Bàu Hàm bị xử lý về hành vi buôn bán sản phẩm không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đó là sản phẩm chế phẩm diệt côn trùng SAMPER GOLD 550EC, 1 lít/1 chai sản xuất ngày 25/10/2019 (đơn giá 384.000đ/chai), của Công ty cổ phần Sam có địa chỉ tại Lô B226A, đường số 7, KCN Thái Hòa, ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Với hành vi trên cửa hàng Gịp A Cẩu bị phạt 9 triệu đồng.

Tại cửa hàng Phan Ngọc Anh xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc lượng chức năng cũng phát hiện có hành vi buôn bán 1 sản phẩm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đối với sản phẩm thuốc diệt côn trùng DELTA GOLD. Cửa hàng này cũng vi phạm về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn. Qua đó bị xử phạt 5,5 triệu đồng.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm 1.683 hoạt chất sử dụng trong nông nghiệp.

Cụ thể: 662 hoạt chất với 1.568 tên thương phẩm thuốc trừ sâu; 623 hoạt chất với 1.380 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 250 hoạt chất với 706 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 9 hoạt chất với 36 tên thương phẩm thuốc trừ chuột; 55 hoạt chất với 158 tên thương phẩm thuốc điều hoà sinh trưởng; 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm chất dẫn dụ côn trùng; 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm thuốc trừ ốc; 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm chất hỗ trợ (chất trải).

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam 14 hoạt chất với 20 tên thương phẩm thuốc trừ mối; 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm thuốc bảo quản lâm sản; 3 hoạt chất với 10 tên thương phẩm thuốc khử trùng kho.

4 hoạt chất thuốc sử dụng cho sân golf gồm: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc điều hòa sinh trưởng; 22 hoạt chất thuốc xử lý hạt giống gồm: 9 hoạt chất với 15 tên thương phẩm thuốc trừ sâu và 13 hoạt chất với 14 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh.

Bộ cũng đề xuất 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm: 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản; 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang