Doanh nghiệp vừa và nhỏ 'đau đầu' vì bị đánh cắp thông tin

author 10:30 09/10/2021

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không những bị đánh cắp thông tin kinh doanh mà cả dữ liệu nhân viên, email nội bộ, thông tin tài chính, sở hữu trí tuệ,...

CMCN 4.0, sự phát triển của nền kinh tế số và nhu cầu tiện ích xã hội là nền tảng cho sự gia tăng nhanh chóng số người sử dụng các dịch vụ trên Internet. Tuy nhiên, lợi ích từ việc sử dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống hằng ngày đi cùng nhiều rủi ro, do môi trường mạng luôn có các nhóm tội phạm tìm kiếm cơ hội đánh cắp thông tin. Mọi thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, mã số định danh cá nhân, tài khoản ngân hàng, thói quen tiêu dùng, lịch sử giao dịch,… đều là những dữ liệu các tổ chức tội phạm nhắm tới và có thể khai thác cho nhiều mục đích bất chính.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố bởi hãng Cisco, có đến 59% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam gặp sự cố mạng trong năm qua và 86% trong số đó bị mất thông tin khách hàng vào tay hacker.

 Nhiều DNVVN lo ngại vấn đề an ninh mạng sau sự cố bị đánh cắp dữ liệu. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh việc mất dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp gặp sự cố mạng còn bị mất dữ liệu nhân viên (67%), email nội bộ (61%), thông tin tài chính (58%), sở hữu trí tuệ (56%) và thông tin kinh doanh nhạy cảm (51%). Ngoài ra, 61% doanh nghiệp thừa nhận sự cố mạng tác động tiêu cực đến danh tiếng của họ.

Tình trạng trên diễn ra trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Các DNVVN đồng loạt lo ngại về vấn đề an ninh mạng. 

Trên thực tế đã có đến 39% DNVVN tại Việt Nam từng bị tấn công mạng nhấn mạnh rằng các giải pháp an ninh mạng không đủ mạnh để phát hiện hoặc ngăn chặn cuộc tấn công là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự cố.

Những sự cố này đang ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh. 30% doanh nghiệp bị tấn công mạng cho biết họ tổn thất khoảng từ 500.000 USD.

Nghiên cứu của Cisco chỉ ra rằng, giữa lúc phải lo lắng hơn về các rủi ro và thách thức an ninh mạng, doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch tiếp cận để hiểu và cải thiện thế trận an ninh mạng thông qua các sáng kiến ​​chiến lược. Hiện nay, 88% DNVVN của Việt Nam đã hoàn thành việc lên kịch bản hoặc mô phỏng cho các sự cố an ninh mạng tiềm năng trong 12 tháng qua, phần lớn đã có kế hoạch ứng phó (89%) và phục hồi (88%). 

Trước thực trạng trên, bà  Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ, các DNVVN tại Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ số hóa trong 18 tháng qua nhằm tận dụng công nghệ để tiếp tục hoạt động, phục vụ khách hàng ngay cả trong thời điểm phải giải quyết các hệ lụy của đại dịch.

Tín hiệu khả quan là các DNVVN đang đầu tư ngày càng mạnh vào an ninh mạng. 87% đã tăng đầu tư vào an ninh mạng từ khi đại dịch bắt đầu, với 39% doanh nghiệp tăng đầu tư hơn 5%. Các khoản đầu tư này được phân bổ đều khắp các lĩnh vực như giải pháp an ninh mạng, tuân thủ hoặc giám sát, nguồn nhân lực, đào tạo và bảo hiểm, cho thấy sự thấu hiểu về sự cần thiết của phương pháp tiếp cận tích hợp và đa chiều trong việc xây dựng thế trận không gian mạng vững chắc.

Nhằm cải thiện tình trạng an ninh mạng trong bối cảnh luôn thay đổi, nghiên cứu của Cisco cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần thường xuyên thảo luận với lãnh đạo cấp cao, cổ đông để lên phương án tiếp cận các giải pháp an ninh mạng đơn giản, có khả năng tích hợp.

Đồng thời, luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng thông qua việc thực hiện mô phỏng các mối nguy cơ ở môi trường thực, đào tạo nhân viên một cách bài bản và làm việc với đối tác công nghệ phù hợp.

Liên quan vấn đề trên, tập đoàn xe hơi công nghệ Uber năm 2017 từng thừa nhận che giấu việc tin tặc xâm nhập và đánh cắp dữ liệu cá nhân của hơn 57 triệu khách hàng trong một thời gian dài. Những thông tin bị đánh cắp gồm tên, địa chỉ hòm thư điện tử và số điện thoại di động của hàng triệu người dùng Uber trên toàn thế giới. Tin tặc còn lấy được tên và số bằng lái của khoảng 600 nghìn lái xe cho Uber ở Mỹ. Uber đã phải trả cho nhóm tin tặc 100.000 USD để xóa những dữ liệu bị đánh cắp.

Đầu năm 2021, dữ liệu cá nhân của khoảng 50 nghìn nhân viên bệnh viện Nova Scotia ở Canada cũng bị tin tặc khai thác.

Tháng 2/2021, hệ thống máy chủ của hãng điện thoại Singtel ở Singapore và hệ thống dữ liệu y tế phục vụ xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19 ở Hà Lan cũng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm công nghệ, thông tin của hàng nghìn người dùng bị đánh cắp.

Trong bối cảnh những vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dữ liệu trên toàn cầu ngày càng phức tạp và thường xuyên, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo mọi người cẩn trọng khi điền những thông tin cá nhân trên mạng, chủ động tự bảo vệ thông tin “nhạy cảm” bằng những mật khẩu phức tạp hơn, sử dụng tính năng cảnh báo hoạt động bất thường và xác thực điện tử nếu có thể.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang