Do hiệu quả khả quan, một số hãng dược xin phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19

author 15:23 01/12/2020

(VietQ.vn) - Trong lúc tình hình dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, một số hãng dược của Mỹ và Ấn Độ đã nộp đơn xin phép Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19.

Cụ thể, theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 30/11, hãng dược Moderna đã nộp đơn xin phép và các cơ sở dữ liệu cần thiết lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nhằm cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19.

FDA cho biết, ủy ban cố vấn sẽ họp để thảo luận về yêu cầu này vào ngày 17/12. Như vậy, sản phẩm của Moderna có thể là loại vaccine thứ 2, sau Pfizer, nhận được sự chấp thuận của Mỹ và đi đến phân phối trong năm nay.

Moderna cũng có kế hoạch nộp đơn đăng ký tại châu Âu. Hãng khẳng định vaccine hiệu quả nhất quán giữa các độ tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tính. Các mũi tiêm ngăn ngừa thành công trường hợp nghiêm trọng của bệnh.

Ông Tal Zaks, Giám đốc Y tế của Moderna cho biết: "Chúng tôi tin rằng mình sở hữu loại vaccine có hiệu quả cao. Hiện hãng đã có dữ liệu để chứng minh điều đó. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xoay chuyển cục diện của đại dịch này".

 Hiện có Mỹ và Ấn Độ đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19

Theo dữ liệu của hãng, trong số hơn 30.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối, có 196 người nhiễm Covid-19, bao gồm 185 người dùng giả dược và 11 người tiêm vaccine. Moderna báo cáo 30 trường hợp bệnh nghiêm trọng, tất cả đều nằm trong nhóm giả dược.

Alexander Edwards, phó giáo sư về công nghệ y sinh tại Đại học Reading của Anh, cho biết: "Khi số ca nhiễm theo ngày tăng, sản phẩm có hiệu quả tuyệt vời này sẽ củng cố thêm niềm tin của cộng đồng".

Gillies O'Bryan-Tear, chủ tịch chính sách và truyền thông tại Đại học Dược của Anh, nhận định: "Dù đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết, chúng tôi phỏng đoán vaccine sẽ được chấp thuận vào tháng 12".

Moderna dự tính sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine, sẵn sàng xuất xưởng ở Mỹ cuối năm 2020, đủ để tiêm chủng cho 10 triệu người (mỗi người hai mũi). Vaccine của Moderna hiệu quả 94,5%, dự kiến giá bán 37 USD cho một mũi tiêm, đắt gần gấp đôi so với vaccine của Pfizer/BioNTech.

Nhập lậu nguyên liệu thuốc Bắc- nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó trong quản lý chất lượng(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện và thu giữ gần 500 kg nguyên liệu thuốc Bắc nhập lậu trên một chiếc ô tô 8 chỗ ngồi.

Liên quan tới vaccine Covid-19, báo Lao Động cũng đưa tin, ngày 28/11 mới đây Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng đã dự kiến xin cấp phép khẩn cấp vaccine của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca trong hai tuần tới.

Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawala xác nhận, viện có thể sản xuất ít nhất 100 triệu mũi vaccine mỗi tháng, kể từ đầu năm 2021. Ông đưa ra tuyên bố này sau chuyến thăm nhà máy của Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ kỳ vọng có 300-400 triệu mũi tiêm vào tháng 7 năm sau, khi đất nước phải đối mặt với đợt bùng phát mới.

AstraZeneca cho biết, cần nghiên cứu thêm về vaccine sau nhầm lẫn khi thử nghiệm. Theo báo cáo, các nhà khoa học tại Viện Jenner, Đại học Oxford, đã tiêm thiếu một nửa lượng vaccine ở mũi thứ nhất cho 500 tình nguyện viên. Thay vì bắt đầu lại, họ tăng số người tham gia nghiên cứu và tiêm liều lượng chính xác. Những người "tiêm nhầm" nửa mũi vaccine đầu vẫn nằm trong chương trình. Họ được tiêm đủ liều ở mũi thứ hai. Như vậy, thử nghiệm vô tình chia thành hai phác đồ: hai mũi và 1,5 mũi. Kết quả, vaccine tiêm đủ liều chỉ đạt 61% độ bảo vệ, trong khi nhóm tiêm 1,5 mũi hiệu quả tới 90%.

AstraZeneca khẳng định kết quả này không ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt vaccine của cơ quan quản lý. "Có một chút nhầm lẫn trong giao tiếp. Điều này sẽ được giải thích rõ vài ngày tới. Nhưng nó sẽ không tác động lên việc chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Anh và cả Ấn Độ. Chúng tôi đang trong quá trình xin giấy phép vào hai tuần tới", ông Poonawalla nói.

Ông khẳng định thời điểm phê duyệt của cơ quan quản lý không ảnh hưởng nhiều đến công tác phân phối. Viện đã sản xuất khoảng 50-60 triệu mũi tiêm mỗi tháng. Sau một đến hai tháng nữa, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 100 triệu liều.

Viện sẽ tập trung dành nguồn cung cho Ấn Độ và hơn 150 quốc gia trong liên minh Covax. Đây là chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, nhằm đảm bảo phân phối vaccine công bằng cho các quốc gia đang phát triển.

Hiện nay, Ấn Độ là một trong những vùng dịch lớn nhất toàn thế giới. Tính đến 30/11, nước này ghi nhận hơn 9 triệu ca nhiễm và ít nhất 137.000 trường hợp tử vong vì Covid-19.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang