Nhiều trộm chó bị đánh chết: Mạng chó có to hơn mạng tên trộm?

author 19:58 07/10/2015

(VietQ.vn) - Theo Tiến sĩ tâm lí Đinh Đoàn, không thể cứ để mãi câu chuyện “vì nó trộm chó nhà tôi nên tôi muốn đánh nó thế nào cũng được”.

Nghi trộm chó, bị đánh chết

Liên quan vụ việc 2 đối tượng nghi là trộm chó bị người dân vây đánh tử vong vào rạng sáng 6/10 tại địa bàn thôn 3 (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Cơ quan CSĐT Công tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập hàng chục người dân ở thôn 2 và thôn 3 (nhà gần hiện trường) để lấy lời khai, nhưng họ đều phủ nhận có liên quan đến sự việc.

trộm chó bị đánh chết

Người dân khẳng định chiếc thòng lọng, đồng thời là roi điện này là dụng cụ bắt trộm chó của hai nạn nhân

Trước đó, khoảng 1 giờ sáng ngày 6/10, Công an TP. Buôn Ma Thuột, Công an tỉnh Đắk Lắk nhận tin báo tại đường liên thôn 2 và 3 có một thanh niên bị chết nằm cạnh xe máy bị đốt cháy, một thanh niên khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk nhưng đã tử vong sau đó.

Nạn nhân tử vong cạnh xe máy bị đốt cháy được xác định tên Lê Quốc Việt (SN 1993, trú tại phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nạn nhân bị thương nặng chết tại bệnh viện tên Hoàng Văn Thái (SN 1976, trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk).

Đến sáng cùng ngày, cơ quan công an đã hoàn tất các thủ tục và bàn giao thi thể các nạn nhân cho gia đình lo hậu sự. Hàng trăm người dân thôn 2 và 3 đã được mời lên làm việc, lấy lời khai.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu được một bao tải bên trong một dây thòng lọng có cán cầm được độ chế nối với dây điện, một cục pin quấn bằng băng keo đen có dây điện, ná cao su bắn đá, nhiều gói bột ớt, băng keo đen, thuốc lá, quẹt ga...

Một công an viên xã Ea Kao cho biết, khi nhận tin xảy ra chết người, công an vào thì đã thấy có khoảng 200 người dân đang tụ tập tại hiện trường. Cạnh đó, một thanh niên đã chết, một người khác đang thoi thóp.

Mạng chó to hơn mạng người?

Chuyện đi trộm chó bị đánh chết không chỉ mới có ở Đắk Lắk mà đã từng xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Việc người dân ở địa phương “ra đòn” rất nặng tay mỗi khi bắt được trộm chó, về phía lực lượng chức năng thường cũng có phần “bối rối” bởi “chẳng lẽ không bênh người dân mà lại đi bênh thằng trộm chó”.

Mạng chó có to hơn mạng tên trộm chó? là câu hỏi nghe thật đau lòng mà nhiều người đặt ra.

Nói về nguyên nhân khiến người dân thường ra đòn rất nặng tay với những kẻ trộm chó, Tiến sĩ tâm lí Đinh Đoàn - cho rằng việc những tên trộm chó liên tục "gây án" đã khiến người dân cảm thấy uất ức, căm phẫn với “chó tặc, cẩu tặc” cho dù có khi chính nhà mình không bị mất chó.

chuyên gia tâm lí Đinh Đoàn

Chuyên gia tâm lí Đinh Đoàn cho rằng, do luật pháp chưa nghiêm nên người dân phải dùng đến luật rừng để trị bọn trộm chó

“Nguyên nhân thứ hai, người dân nuôi cả năm mới được một con chó, nó là một tài sản trong gia đình. Người ta hay nói là “của đau con xót” nên đúng là có uất ức thật”, Tiến sĩ tâm lí Đinh Đoàn nêu ý kiến.

Theo ông, còn một nguyên nhân nữa rất quan trọng là do pháp luật chưa làm tốt được việc này nên việc người dân đánh chết người đi trộm chó là sự tự phát bất đắc dĩ. Người ta nghĩ, chẳng lẽ cứ để cho nó lộng hành, nay bắt chó ngày mai bắt trâu bò rồi xa hơn là bắt cóc người…nên bất đắc dĩ người ta mới làm thế. Nếu pháp luật và các cơ quan thi hành pháp luật ở địa phương làm đến nơi đến chốn, nghiêm khắc, chắc chuyện này sẽ không xảy ra.

Thêm nữa, theo đánh giá của vị chuyên gia tâm lí, con người bây giờ có quá nhiều nỗi bức xúc nên đôi khi dẫn tới việc “giận cá chém thớt”. Bực thì không đánh được ai, nhân tiện có thằng “cẩu tặc” này làm cái “thớt” để cho người ta trút những nỗi bức xúc đó.

“Ở đây là họ đang giải quyết với nhau bằng “luật rừng”. Người ta đã phải sử dụng đến “luật rừng” có nghĩa trong trường hợp cụ thể này “luật thật” quá yếu, hoặc các cơ quan thi hành luật ở địa phương chưa thực hiện tốt”, Tiến sĩ Đinh Đoàn nhận định.

Ông cho rằng, người dân không còn cách nào để ngăn ngừa nên buộc phải đánh thật nặng để “cho nó chừa”. Còn anh trộm chó thì cũng biết rằng, giờ mình bị bắt cũng đâu có ai đứng ra bênh vực, căn ngăn nên cũng quyết phải liều một phen, may ra còn có cơ hội sống.

Do đó, theo chuyên gia tâm lí, để tránh xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi cần phải làm nghiêm về mặt pháp luật.

“Không thể cứ để mãi câu chuyện “vì nó trộm chó nhà tôi nên tôi muốn đánh nó thế nào cũng được”, Tiến sĩ Đinh Đoàn nói.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang