Nhìn lại những sự kiện an toàn thông tin nổi bật trong năm 2024

author 07:30 31/01/2025

(VietQ.vn) - Năm 2024 chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lĩnh vực an toàn thông tin, từ các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng đến những thay đổi về chính sách và công nghệ bảo mật.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Năm 2024 với nhiều sự kiện nổi bật trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin. Ảnh minh họa

Luật Dữ liệu – Cột mốc quan trọng trong quản lý dữ liệu quốc gia

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Dữ liệu, gồm 5 Chương, 46 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây là bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu trong thời đại số.

Luật này xác định cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung, đóng vai trò then chốt trong phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việc thiết lập thị trường dữ liệu không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế mà còn thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Siết chặt quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực từ 25/12/2024. Nghị định mới giúp khắc phục các bất cập phát sinh trong hơn 10 năm qua, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số và nội dung số.

Một số nội dung quan trọng của Nghị định bao gồm: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa dịch vụ cho doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, nghị định nhấn mạnh việc giám sát và xử lý các thông tin vi phạm trên mạng, góp phần nâng cao an ninh thông tin quốc gia.

Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ ngày 01/7/2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chíp của căn cước công dân. Phương thức xác thực này nhằm bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng, tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Quyết định số 2345/QĐ-NHNN quy định các trường hợp cần xác thực bằng sinh trắc học gồm: Giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng; giao dịch có tổng mức chuyển tiền cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng; lần đầu thực hiện giao dịch bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất...

Việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN đã hạn chế tối đa các tài khoản “rác”, tài khoản ảo. Đây là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng “rác”.

Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành “từ khóa chủ chốt” trong toàn ngành Ngân hàng khi được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo online.

Chiến lược hạ tầng số – Định hướng phát triển đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu xây dựng hạ tầng số hiện đại, bảo đảm an toàn, bền vững. Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể như phổ cập cáp quang, triển khai mạng 5G, phát triển trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI và đảm bảo 50% dân số trưởng thành có chữ ký số vào năm 2025.

Đến năm 2030, Việt Nam hướng tới phủ sóng 5G đến 99% dân số, triển khai thử nghiệm mạng 6G và phát triển trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Điều này giúp nâng cao năng lực tính toán, xử lý dữ liệu và đảm bảo nền kinh tế số phát triển bền vững.

Việt Nam lọt top 1 thế giới về an toàn thông tin

Theo Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố ngày 12/9/2024, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào nhóm 1 – nhóm cao nhất về an toàn thông tin, với tổng điểm 99.74. Điều này khẳng định nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao năng lực bảo mật và bảo vệ không gian mạng quốc gia.

Xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 18/8/2024, Liên danh FPT Quy Nhơn phối hợp với UBND tỉnh Bình Định chính thức khởi công Dự án Trung tâm AI và đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn, với tổng vốn đầu tư 4.362 tỉ đồng. Trung tâm AI sẽ tập trung vào nghiên cứu, đào tạo, cung cấp giải pháp an ninh mạng và hỗ trợ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, FPT đã hợp tác với NVIDIA đầu tư 200 triệu USD vào AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ AI toàn cầu.

Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công ransomware

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều vụ tấn công ransomware nhắm vào các doanh nghiệp lớn như VNDirect, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Bảo hiểm Bưu điện. Các cuộc tấn công này gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và dữ liệu, cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường biện pháp bảo vệ an toàn thông tin.

Việt Nam có chuẩn mật mã riêng cho lĩnh vực dân sự

Với vai trò là cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) đã chỉ đạo nghiên cứu và phát triển thuật toán mã khối dân sự mang tên MKV (Mã khối Việt Nam). MKV được xem như "trái tim" của các sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin, bởi để làm chủ công nghệ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là làm chủ thuật toán mật mã. Thuật toán MKV được thiết kế nhằm mục đích phát triển và chế tạo các sản phẩm bảo mật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc bảo vệ thông tin và dữ liệu, đặc biệt phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số.

Hiện tại chuẩn mật mã MKV đã được làm thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này. Sự ra đời của MKV không chỉ khẳng định tiềm lực và năng lực nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực mật mã mà còn đặt nền móng vững chắc cho việc chế tạo các sản phẩm bảo mật "Make in Vietnam", đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có tiêu chuẩn mật mã riêng trên thế giới. Thuật toán này mở ra nhiều triển vọng hợp tác, phát triển với các đối tác trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của ngành mật mã, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ an toàn thông tin quốc tế.

Chính phủ ban hành nghị định về chữ ký số chuyên dùng công vụ

Ngày 25/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2024/NĐ-CP quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nghị định quy định chi tiết về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Nghị định quy định 9 dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ cung cấp; Thời hạn có hiệu lực của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ; Điều kiện cấp mới chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và Điều kiện gia hạn chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Ngày 06/8 hằng năm trở thành Ngày An ninh mạng Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 06/8 hằng năm làm Ngày An ninh mạng Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin và thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác đảm bảo an toàn không gian mạng.

Với hàng loạt chính sách mới về dữ liệu, an ninh mạng và hạ tầng số, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong đảm bảo an toàn thông tin. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế số, hướng tới một xã hội số an toàn và bền vững.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang