Thách thức an toàn thông tin trước xu hướng thanh toán không tiền mặt

(VietQ.vn) - Thanh toán không tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, việc bảo đảm an toàn, bảo mật cho giao dịch vẫn đặt ra nhiều thách thức.
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
Chuẩn hóa camera giám sát, nâng cao chất lượng an toàn thông tin
Lâm Đồng: Đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số
Bình Phước: Đảm bảo an toàn thông tin hướng tới mục tiêu chuyển đổi số tổng thể
Tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng
Xu hướng thanh toán không tiền mặt bùng nổ
Những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao trên các "chợ mạng". Chị Hoa, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Chỉ cần vài cú chạm trên điện thoại, tôi đã sắm đủ đồ Tết mà không cần ra khỏi nhà. Thậm chí, việc ghép đơn còn giúp tiết kiệm cả triệu đồng nhờ ưu đãi miễn phí vận chuyển.”
Không chỉ người mua, các tiểu thương cũng nhanh chóng thích nghi với công nghệ, nhận đơn hàng qua điện thoại, tin nhắn và mạng xã hội. Họ tích hợp thanh toán qua mã QR, chuyển khoản để tạo tiện ích cho khách hàng, đồng thời không phải chia hoa hồng cho bên trung gian.
Song song với đó, các ngân hàng và trung gian thanh toán đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thanh toán hiện đại như quét mã QR, Facepay hay thanh toán một chạm. Những công cụ này không chỉ thuận tiện mà còn góp phần thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa cao điểm như Tết Nguyên đán.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Tập đoàn công nghệ Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị giao dịch thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam năm 2024 đạt 149 tỷ USD, tăng từ 126 tỷ USD năm 2023. Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh và Kiên Giang cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, nhận định: “Những con số này chứng minh sự phổ cập của dịch vụ ngân hàng và thành công trong phát triển hệ sinh thái số”.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong các lĩnh vực công như y tế, giáo dục và thu nợ thuế, mở rộng đến khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Thách thức và giải pháp bảo mật
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ là những thách thức lớn về bảo mật. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ giả mạo cơ quan, tổ chức đến chiếm đoạt thông tin cá nhân qua các đường link độc hại. Nhiều vụ lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 04 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ CCCD. Quy định này hướng đến việc đảm bảo tính chính chủ của tài khoản ngân hàng và ví điện tử, đồng thời nâng cao khả năng phòng chống gian lận, bảo vệ tài sản của người dân.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn SMS, email có chứa link liên kết (hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, nhằm tránh đường link giả mạo, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng...
Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến nhiều nội dung về an toàn, bảo mật khác. Đơn cử, ứng dụng ngân hàng điện tử sẽ không cho phép chức năng ghi nhớ mật khẩu. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần có giải pháp phòng, chống, phát hiện các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã cài đặt trong thiết bị di động của khách hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và phòng chống tội phạm công nghệ cao…Về phía các ngân hàng thương mại, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Các ngân hàng mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ, tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao. Nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, giúp cải tiến mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như Basel II, Core Banking, CTOM, ERP, RTOM...
Thanh toán không tiền mặt đã, đang, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống và kinh tế. Việc bảo đảm an ninh và bảo mật cho giao dịch là yếu tố cấp bách, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thông qua các giải pháp đồng bộ, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển bền vững.
Duy Trinh (t/h)