Những bất lợi cho sức khỏe khi tự ý kết hợp thảo dược với thuốc kê đơn

author 05:56 19/09/2022

(VietQ.vn) - Theo cảnh báo của bác sĩ tại Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay nhiều người tự ý kết hợp thảo dược với thuốc kê đơn điều này gây ra nhiều bất lợi.

Ngày nay, nhu cầu sử dụng thuốc từ dược liệu để điều trị bệnh đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đang sử dụng thuốc kê đơn nhưng vẫn kết hợp với dược liệu mà không tham khảo ý kiến bác sĩ đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Thuốc thảo dược có thực sự an toàn?

Theo BS. Phạm Đức Thắng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, thuốc từ dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược nên rất an toàn. Điều này hoàn toàn chính xác nếu sử dụng dược liệu theo chỉ định của bác sĩ trên cơ sở được thăm khám toàn trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, việc tự ý kết hợp bất kỳ loại thuốc nào không dựa trên lời khuyên của bác sĩ đều tiềm ẩn rủi ro do tương tác thuốc bất lợi. 

Tăng hoặc giảm quá trình chuyển hóa thuốc kê đơn

Một số dược liệu có thể cảm ứng hoặc ức chế các enzyme chính tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc. Sự ức chế các enzyme này có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu, trong khi sự cảm ứng lại làm giảm nồng độ trong máu của thuốc và các hợp chất chuyển hóa độc hại. Cả 2 quá trình cảm ứng và ức chế trên đều có thể ảnh hưởng không tốt đến tác dụng điều trị của các thuốc y học hiện đại, thậm chí gây tích lũy ngộ độc.

Không nên tự ý dùng thảo dược với thuốc kê đơn vì nhiều rủi ro. Ảnh minh họa 

Làm thay đổi nhu động ruột

Thuốc y học cổ truyền có thể làm thay đổi nhu động đường tiêu hóa hoặc tạo phức với các thuốc tân dược, gây cản trở quá trình hấp thu thuốc tại ruột. Ví dụ như những dược liệu có tác dụng nhuận tràng (lô hội, đại hoàng, mè đen…), dược liệu giàu saponins (tri mẫu, viễn chí, bồ kết, nhân sâm…).

Giảm tác dụng của thuốc kê đơn

Nhiều thảo dược làm giảm tác dụng của thuốc kê đơn. Đan sâm có thể gây tăng đào thải warfarin và các chất đối kháng vitamin K khác. Thuốc giảm đau opiod, thuốc ức chế bơm proton (PPI) giảm hiệu quả khi dùng chung với nhân sâm. Tác dụng của thuốc lợi tiểu có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng cùng với cam thảo.

Làm tăng độc tính hoặc tác dụng phụ của thuốc kê đơn

Một số dược liệu còn làm tăng độc tính hoặc tác dụng phụ của các thuốc tân dược. Gừng tươi, nhân sâm làm tăng nguy cơ xuất huyết nếu dùng chung với thuốc chống đông.

Nguy cơ xuất huyết cũng gia tăng nếu kết hợp tỏi, bạch quả với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Nhục thung dung khi sử dụng đồng thời với các thuốc cường giao cảm, thuốc ức chế thụ thể monoamide oxidase, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra hội chứng serotonin.

Các thuốc tả hạ (tẩy xổ) như phan tả diệp, lô hội, muồng trâu có thể làm hạ kali máu khiến người bệnh dễ bị độc tính hơn với digoxin. Tình trạng tăng giữ nước và tăng huyết áp có thể xảy ra khi dùng chung với các thuốc ngừa thai đường uống.

Dùng kết hợp thuốc kê đơn với thảo dược có thể nguy hiểm tính mạng

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi cho biết, việc sử dụng cùng lúc thảo dược với thuốc chữa bệnh theo đơn của bác sĩ có thể làm cho thuốc chữa bệnh kém hiệu quả, thậm chí nguy hiểm hoặc gây tử vong.

Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã phân tích 49 báo cáo về phản ứng bất lợi của thuốc và kết quả của 2 nghiên cứu quan sát. Theo đó, hầu hết người bệnh đều đang được điều trị bệnh tim, ung thư hoặc ghép thận với các thuốc warfarin, statin, thuốc hóa trị liệu hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Bên cạnh đó, có một số người mắc bệnh trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn thần kinh cũng đang được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chống co giật.

Cụ thể, một bệnh nhân dùng statin đã bị chuột rút và đau dữ dội sau khi uống ba chén trà xanh mỗi ngày. Phản ứng này là do ảnh hưởng của trà xanh đối với hàm lượng statin trong máu.

Trong một báo cáo khác, một bệnh nhân tử vong do lên cơn động kinh khi bơi lội, mặc dù anh thường xuyên dùng thuốc chống co giật để chữa bệnh. Khám nghiệm tử thi cho thấy tác dụng của thuốc đã bị giảm mà nguyên nhân có thể do người bệnh dùng đồng thời thuốc với thảo dược ginko biloba (bạch quả) khiến quá trình trao đổi chất hay hấp thu của thuốc chữa động kinh bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phân tích cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân dùng warfarin, chất chống đông máu, có thể gây các phản ứng có ý nghĩa lâm sàng sau khi uống thuốc thảo dược chứa hạt lanh, rong biển, cranberry… do những thảo mộc này có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của warfarin như làm tăng nguy cơ bị chảy máu hoặc hình thành cục máu đông.

Việc bổ sung thảo dược cũng có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm trầm trọng ở những người dùng thuốc chống trầm cảm. Đối với bệnh nhân ung thư, thuốc hóa trị liệu đã được cho thấy tương tác bất lợi với các thảo dược bao gồm nhân sâm, cây cúc dại (được biết đến với tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh cảm) và nước ép quả anh đào dại (chứa chất chống ôxy hóa, vitamin...).

Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý, các công ty dược cần có biện pháp phổ biến, cập nhật thông tin trong các hướng dẫn dùng thuốc để bác sĩ và người bệnh tránh các tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ và dược sĩ biết tất cả các loại thuốc bổ sung, bao gồm cả thảo dược mình đang dùng, nhất là khi họ được kê đơn thuốc mới.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang