Những cách kiểm tra số căn cước công dân của bạn có bị lộ dữ liệu hay không?

author 06:40 10/01/2025

(VietQ.vn) - Bị lộ số căn cước công dân (CCCD) có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. VIệc lộ CCCD đã tạo cơ hội cho các hình thức lừa đảo tinh vi nhằm vay nợ, chiếm đoạt tài sản của người bị lộ thông tin.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam có gần 78 triệu người dùng Internet hàng ngày, tuy nhiên trong số này có rất nhiều người bị thu thập thông tin cá nhân. Nguyên nhân đầu tiên đến từ việc các cơ quan, tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dùng nhưng không có biện pháp bảo vệ đủ mạnh, dẫn đến việc bị tin tặc tấn công, hoặc lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tội phạm mạng đã không ngừng “nâng cấp” thủ đoạn, từ việc phát tán mã độc qua email, tin nhắn rác đến giả mạo website, ứng dụng để lừa người dùng cung cấp thông tin. Vụ việc hàng loạt hình ảnh CCCD bị rao bán tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Công ty phân phối phần mềm bảo mật Kaspersky (Nga) khu vực Đông Nam Á nhận xét: “Sự trỗi dậy của AI đã tiếp tay cho tội phạm mạng tạo ra các tin nhắn lừa đảo hoặc lừa đảo tài sản. Điều này dẫn đến sự khó khăn cho người dùng trong việc phân biệt giữa lừa đảo và giao tiếp thông thường. Đây là lý do vì sao vai trò của các giải pháp bảo mật ngày càng trở nên quan trọng”.

 Hàng loạt hình ảnh CCCD bị rao bán tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Kaspersky, Philippines ghi nhận 163.279 số vụ giả mạo tài chính cao nhất trong năm 2023. Theo sau là Malaysia với 124.105 vụ, Indonesia cũng ghi nhận 97.465 cuộc tấn công, trong khi đó, số vụ tấn công tại Việt Nam là 36.130. Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có số lượng tấn công ít nhất, lần lượt là 25.227 và 9.502. 

Vậy làm thế nào để kiểm tra xem số căn cước của mình có bị lợi dụng hay không? Dưới đây là các bước hướng dẫn cùng cách phòng tránh hiệu quả.

Kiểm tra bằng ứng dụng CIC

Hiện nay, nhiều người rơi vào tình trạng nợ xấu dù chưa từng vay vốn ngân hàng hay tổ chức tài chính nào, do việc vay vốn trở nên dễ dàng chỉ với CMND hoặc căn cước. Một số người đã gặp rắc rối khi thông tin cá nhân bị đánh cắp, gây phiền toái và mất nhiều thời gian để giải quyết. Người dùng hoàn toàn có thể tự kiểm tra ngay tại nhà bằng ứng dụng CIC Credit Connect. Ứng dụng này cho phép tra cứu lịch sử tín dụng cá nhân, bao gồm các khoản vay, thẻ tín dụng được đăng ký bằng số căn cước của người dùng.

Chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng nhập bằng thông tin cá nhân, người dùng sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình và kịp thời phát hiện các hoạt động bất thường. Nếu phát hiện có thông tin không chính xác, hãy liên hệ ngay với các tổ chức tín dụng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Kiểm tra thông tin đăng ký SIM

Theo Luật Viễn thông, từ ngày 01/7/2024, người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về các số điện thoại đã đăng ký với nhà mạng. Vì vậy, việc kiểm tra các SIM được đăng ký bằng số căn cước nào trở nên vô cùng quan trọng, nhằm ngăn chặn nguy cơ kẻ gian lợi dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Người dùng có thể soạn tin theo cú pháp TTTB và gửi đến 1414 (miễn phí). Sau khi kiểm tra, hệ thống sẽ trả thông tin về các số điện thoại đã đăng ký bằng số căn cước của người dùng đó. Nếu phát hiện ra số lạ mà mình không hề sử dụng, người dùng cần hãy liên hệ ngay với nhà mạng để hủy số hoặc điều tra kỹ hơn.

Khánh Mai 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang