Những con số kinh doanh ấn tượng trong năm Mậu Tuất của ba doanh nhân tuổi Tuất

author 07:03 03/02/2019

(VietQ.vn) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và bà Thái Hương là 3 doanh nhân tuổi Tuất thành công trong cả lĩnh vực ngân hàng cũng như kinh doanh ngoài ngân hàng trong năm Mậu Tuất 2018.

Cùng Chất lượng Việt Nam online (Vietq.vn) nhìn lại chặng đường thành công của 3 doanh nhân này.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1970, Canh Tuất)

Theo Gia đình Việt Nam, theo danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017 với tổng cộng 56 gương mặt (so với 42 người năm 2016) do Tạp chí Forbes công bố, lần đầu tiên Việt Nam có một nữ tỷ phú lọt vào danh sách này, đó chính là CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà trở thành tỷ phú thứ 2 của Việt Nam góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. 

 

Bà Thảo đang là Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank), Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Hiện bà Thảo đang nắm giữ 35.961.580 cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank, trực tiếp 47.470.914 và gián tiếp 92.107.239 cổ phiếu VJC (VietJet). Tài sản ước tính là 3 tỷ USD.

Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.

2018 đối với VietJet là năm kinh doanh đầy khả quan. Kết thúc quý III/2018, doanh thu của VietJet đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Nhờ việc tăng cường thêm đội tàu bay mới, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, chủ động điều chỉnh tải cung ứng mùa thấp điểm, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 8.901 tỷ đồng, tăng 45% so với quý 3/2017 với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt 89%. 

Tổng lợi nhuận trước thuế của VietJet quý này đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017. Kết quả luỹ kế đến tháng 9/2018, VietJet đạt doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu cốt lõi đạt 25.400 tỷ đồng tăng trưởng 50% so với 9 tháng năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ, vượt trên 10% so với kế hoạch của ban điều hành.

Bên cạnh đó, ngân hàng HDBank cũng có bước phát triển đáng nể trong năm Mậu Tuất. Theo báo điện tử Trí thức trẻ, riêng trong quý IV/2018, ngân hàng HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 1.121 tỷ đồng, tăng 122,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ; riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ đạt 1.430 tỷ tăng 35,8%. Thu nhập từ dịch vụ và các hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng tăng trưởng mạnh, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động tăng 37,8%.

Với bước bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm, tính chung cả năm 2018 HDBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017. Trong đó, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 7.646 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước dù dư nợ tín dụng trong năm chỉ tăng 18,2%. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 25,7%.

Quy mô tài sản của HDBank đến 31/12/2018 đạt 216.108 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017. Tổng huy động vốn đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 14,0% lên 16.828 tỷ đồng.

Ông Hồ Hùng Anh (sinh năm 1970, Canh Tuất)

Ông Hồ Hùng Anh là thành viên HĐQT của Techcombank từ năm 2004 và trở thành Chủ tịch Techcombank từ năm 2008. Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan (tên cũ của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí Phó chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Năm Mậu Tuất 2018 có thể coi là một trong những năm rực rỡ nhất của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). 

Theo Vietnamnet, trong năm 2018, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 10,7 ngàn tỷ đồng (tăng 31%). So với năm 2017, Techcombank đã vượt 3 bậc lên vị trí số 2 về lợi nhuận trong toàn ngành, chỉ thua ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh Vietcombank (VCB). Đây là lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân lọt top 3 lợi nhuận, vượt qua cả 2 ông lớn ngân hàng quốc doanh Vietinbank và BIDV.

Trong năm vừa qua, TCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 20% vượt trội so với bình quân ngành; tín dụng cho vay mua nhà tăng cao, cũng ở mức 20%; bán lẻ tăng mạnh; dẫn đầu về thanh toán qua thẻ Visa...

Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, doanh nghiệp của tỷ phú kín tiếng Hồ Hùng Anh vụt bước lên số 1. Đại gia gốc Thừa Thiên - Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá gần 21 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank - đại gia ngân hàng ở vị trí tiếp theo - hiện có khối tài sản khoảng 2,2 ngàn tỷ đồng.

Ai phải chịu trách nhiệm về vi phạm của VEC trong chỉ định thầu loạt trạm dừng nghỉ cao tốc?(VietQ.vn) - Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận về những nội dung tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổ chức, cá nhân Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC).

Bà Thái Hương (sinh năm 1958, Mậu Tuất)

Bà là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn TH, đồng thời là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).

Bà Thái Hương vốn nổi tiếng là người tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch. Dự án TH True Milk khởi động từ năm 2008, chỉ 2 năm sau đã cho ra đời sản phẩm rồi nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và tạo sự thay đổi hoàn toàn trong ngành công nghiệp sữa ở Việt Nam với tiêu chí: Sữa tươi, sữa đến từ thiên nhiên. Thực tế, bà Thái Hương đã muốn làm sữa từ năm 1994 nhưng không đủ lực. Bà chuyển sang làm ngân hàng để có nguồn lực thực hiện các dự án mà mình ấp ủ.

Với TH School, bà Thái Hương lên ý tưởng và nghiên cứu từ 5 năm trước. Khi có người thắc mắc rằng, làm sao một người trong ngành tài chính ngân hàng có thể làm sữa, rồi lại làm giáo dục thì bà Thái Hương đã nói: "Tư duy của tôi là khi làm việc gì, hãy tìm các chuyên gia bậc thầy. Tôi có làm đâu, tôi mời chuyên gia về và trả tiền để họ làm tốt nhất những ý tưởng của tôi".

Một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với bà Thái Hương trong năm 2018 là việc Tập đoàn TH chính thức khởi công nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày tại Kaluga, Liên bang Nga.

Theo công bố từ website chính thức của Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2018 (International Business Awards - IBA Stevie Awards), bà Thái Hương – nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của TH – đã đoạt giải Vàng hạng mục Doanh nhân xuất sắc của năm đối với ngành Thực phẩm và đồ uống. Đây được ví như giải “Oscar trong kinh doanh”.

Theo The Leader, số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường thành thị của Nielsen, trong 11 tháng đầu năm 2018, sữa TH true Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng và 30% về doanh thu, trong bối cảnh cả ngành hàng sữa nước hầu như không tăng.

Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt gần 40%, đứng đầu về phân khúc sữa tươi. Trong cùng khoảng thời gian đó; khi sức mua của người tiêu dùng đối với toàn ngành sữa nước ở thị trường thành thị chững lại thì sữa tươi TH True Milk tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán sữa tăng, lợi nhuận của Tập đoàn TH cũng tăng dần qua các năm. Nếu lãi ròng năm 2014 của tập đoàn là 27 tỷ đồng, thì con số này đã tăng gấp đôi năm 2015 và lên con số 130 tỷ đồng năm 2016.

Kể từ năm 2017, Tập đoàn có bước nhảy vọt trong kinh doanh. Lãi ròng năm 2017 là 319 tỷ đồng và năm 2018 là 450 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm, từ 2014 đến 2018, lãi ròng của TH đã tăng 15 lần.

Năm 2018, Tập đoàn TH đã cán mốc doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, vượt nhanh hơn lộ trình mà bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH đã kiến tạo. 

Năm 2018, BacABank gây ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,76%. Tổng tài sản 97.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ở mức gần 64.000 tỷ đồng.

Nguyễn Huệ (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang