Những điểm chủ yếu trong chiến lược tiêu chuẩn hóa của Hoa Kỳ

author 13:35 22/04/2021

(VietQ.vn) - Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ đặt ra tầm nhìn chiến lược để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu, hướng dẫn cách Hoa Kỳ phát triển, sử dụng các tiêu chuẩn, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS), tiền thân là Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia (NSS), được soạn thảo bởi Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) và phê duyệt lần đầu vào tháng 8 năm 2000. Chiến lược là thành quả của nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan trong ngành, các tổ chức tiêu chuẩn, tập đoàn, nhóm người tiêu dùng, chính phủ và các viện nghiên cứu.

USSS đặt ra tầm nhìn chiến lược hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe, an toàn của Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu, hướng dẫn cách Hoa Kỳ phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

USSS được cập nhật 5 năm một lần để đảm bảo việc tiếp tục đáp ứng các nhu cầu, lợi ích đa dạng của Hoa Kỳ, phản ánh những tiến bộ về công nghệ, các lĩnh vực tăng trưởng của ngành, ưu tiên quốc gia và quốc tế, cũng như cập nhật những chính sách liên quan của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chiến lược khẳng định Hoa Kỳ cam kết thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa tự nguyện qua hình thức tiếp cận dựa trên lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và toàn cầu. USSS thiết lập một khung tiêu chuẩn hóa được xây dựng dựa trên những điểm mạnh truyền thống của hệ thống Hoa Kỳ— tính đồng thuận, cởi mở và minh bạch.

Các nguyên tắc tiêu chuẩn hóa:

USSS khẳng định các tiêu chuẩn chỉ được sử dụng để đảm bảo nhu cầu thị trường và xã hội chứ không được sử dụng làm mục đích lập trên những hàng rào thương mại. Hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ được thiết lập dựa trên các nguyên tắc toàn cầu cho việc phát triển tiêu chuẩn như sau:

NGUYÊN TẮC MINH BẠCH (TRANSPARENCY)

NGUYÊN TẮC CỞI MỞ (OPENNESS)

NGUYÊN TẮC CÔNG BẰNG (IMPARTIALITY)

NGUYÊN TẮC HIỆU QUẢ VÀ XÁC ĐÁNG (EFFECTIVENESS AND RELEVANCE)

NGUYÊN TẮC ĐỒNG THUẬN (CONSENSUS)

NGUYÊN TẮC HIỆU SUẤT (PERFORMANCE BASED)

NGUYÊN TẮC MẠCH LẠC (COHERENCE)

NGUYÊN TẮC THỦ TỤC (DUE PROCESS)

NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ KỸ THUẬT (TECHNICAL ASSISTANCE)

LINH HOẠT (FLEXIBLE)

HỢP THỜI (TIMELY)

CÂN BẰNG (BALANCE)

Kế hoạch thúc đẩy

Sức mạnh của tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ được hỗ trợ bởi hệ thống cơ sở hạ tầng linh hoạt. Các hoạt động tiêu chuẩn hóa bao gồm cả phương pháp tiếp cận theo ngành và liên ngành. Trọng tâm đến từ những bên tham gia - các ngành, các cơ quan chính phủ, các tổ chức công ích và cá nhân có tài năng - và các nhà hoạch định tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cách tiếp cận theo ngành và liên ngành đều cho phép các bên quan tâm giải quyết các vấn đề ưu tiên và phát triển hoạt động phương pháp phù hợp, khiến cho việc phát triển tiêu chuẩn trở nên hiệu quả hơn và thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh. Khi các vấn đề liên ngành đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi của các bên liên quan, Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ sẽ cung cấp cơ sở vật chất, giúp đỡ, tạo điều kiện cho việc phối hợp và hợp tác.

Theo bảng xếp hạnh Global Quality Infrastructure Ranking 2020 của Viện Vật lý Kỹ thuật PTB, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 3 thế giới về cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia sau Đức và Trung Quốc.

Mục tiêu chiến lược

USSS nêu chi tiết 12 sáng kiến ​​chiến lược và các chiến thuật hỗ trợ ngành công nghiệp, chính phủ, các tổ chức phát triển tiêu chuẩn, hiệp hội, nhóm người tiêu dùng, học viện và các nhóm khác để thực hiện và áp dụng, dựa trên tiêu chí phối hợp hợp tác giữa tất cả các bên liên quan.

Tăng cường sự tham gia của chính quyền các cấp trong việc phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện thông qua quan hệ đối tác công – tư.

Tiếp tục giải quyết các vấn đề môi trường, sức khỏe, an toàn và bền vững trong sự phát triển của tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện.

Nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống tiêu chuẩn nhằm phục vụ lợi ích của người tiêu dùng.

Tích cực thúc đẩy việc áp dụng nhất quán các nguyên tắc được quốc tế công nhận trong việc phát triển các tiêu chuẩn.

Khuyến khích các cách tiếp cận chung của các chính phủ về việc sử dụng các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện như các công cụ hỗ trợ cho các nhu cầu pháp lý.

Ngăn chặn việc tiêu chuẩn trở thành các rào cản thương mại kỹ thuật đối với sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ.

Tăng cường các chương trình tiếp cận quốc tế để thúc đẩy việc hiểu biết về cách thức các tiêu chuẩn theo hướng tự nguyện, đồng thuận và định hướng thị trường của Hoa Kỳ có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội nói chung.

Tiếp tục cải tiến các công cụ để phát triển và phân phối hiệu quả, kịp thời các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện.

Thúc đẩy sự hợp tác và liên kết trong các hoạt động tiêu chuẩn.

Thúc đẩy và khuyến khích lực lượng lao động hiểu biết về tiêu chuẩn bằng cách xây dựng nhận thức về tiêu chuẩn và năng lực giữa các bên khác nhau.

Tôn trọng các mô hình tài trợ đa dạng cho hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

Giải quyết nhu cầu về các tiêu chuẩn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Do sự đa dạng của thị trường nên việc xây dựng tiêu chuẩn không thể đáp ứng được yêu cầu trong mọi hoàn cảnh. Các bên quan tâm phải xây dựng kế hoạch của riêng mình. Vì thế, mục đích chiến lược của Hoa Kỳ hướng đến việc hướng dẫn, tính nhất quán và tạo cảm hứng mà không hạn chế sự đổi mới, sáng tạo hoặc hiệu quả.

Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ là một tập hợp các sáng kiến có khả năng ứng dụng rộng rãi sẽ được áp dụng tùy theo mức độ liên quan và tầm quan trọng đối với các lĩnh vực cụ thể. Thách thức hiện nay của USSS là phải tìm cách tập hợp những lĩnh vực chuyên môn này lại với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan, đồng thời phát triển các tiêu chuẩn và lộ trình giải quyết nhu cầu tiêu chuẩn hóa. Các bên liên quan được khuyến khích phát triển các sáng kiến riêng nếu cần thiết, và một số gợi ý đó cho thấy khả năng có thể ứng dụng rộng rãi.

Nhìn về tương lai

Bằng chứng cho sự thành công của chiến lược này sẽ nằm ở việc có thể đạt được những mục tiêu đó hay không. Theo một cách nào đó, chiến lược này cũng có thể được coi là một thách thức đối với tất cả những bên tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ - và những bên không trực tiếp tham gia nhưng vẫn chịu ảnh hưởng – để có thể biến tầm nhìn tương lai thành hiện thực. Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu biến những hướng đi đó thành hành động. Mấu chốt chính là nằm ở năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Hoa Kỳ, nền kinh tế thịnh vượng, hệ thống thương mại hóa toàn cầu cân bằng, cải thiện sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của người dân.

Các bước tiếp theo sẽ là định hướng, thu hút các bên liên quan tham gia vào việc thực hiện chiến lược này. Các vấn đề chiến lược cần phải được giải quyết. Để làm được điều này, yêu cầu về giao tiếp, hợp tác, lập kế hoạch và cam kết hoạt động là vô cùng quan trọng.

Về lâu dài, tiến độ công việc cần phải được giám sát và chiến lược này giống như tất cả các kế hoạch thực hiện trong thời gian hạn chế, phải được xem xét và đánh giá lại. Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò là cơ chế điều phối, cập nhật chiến lược theo chu kỳ 5 năm một lần.

Mang tính chất cởi mở và dễ dàng truy cập, hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ đã đóng góp sức lực và công nghệ của mình cho các mô hình tiêu chuẩn hóa ở nhiều nơi khác nhau. Hoa Kỳ cam kết, không chỉ đối với lợi ích riêng trong địa bàn lãnh thổ của mình, mà còn đối với hệ thống tiêu chuẩn hóa và thương mại quốc tế. Chiến lược này được xây dựng với mục đích tăng cường hệ thống tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ và tất cả những bên có thể hưởng lợi từ đó.

Tiêu chuẩn quốc tế mới cho đào tạo từ xa(VietQ.vn) - Nhằm mục đích đưa một số trật tự vào chương trình giảng dạy ảo, để cải thiện cả chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo từ xa cho tất cả mọi người, tiêu chuẩn quốc tế ISO 29994 vừa được công bố.

Anh Vũ (Theo ansi.org)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang