Nâng cao hiệu quả triển khai dự án NSCL tại doanh nghiệp

author 05:57 22/04/2021

(VietQ.vn) - Phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL) là một trong các nhóm nội dung/nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (được phê duyệt tại Quyết định số 712/ QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

Tổ chức thực hiện dự án NSCL tại doanh nghiệp giai đoạn 2012-2020

Trong giai đoạn 2020-2021, quy trình triển khai dự án NSCL tại doanh nghiệp (DN) được thiết lập tương đối bài bản thống nhất.

Lãnh đạo DN có sự cam kết mạnh mẽ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án NSCL tại DN như: sắp xếp, bố trí thời gian, nhân sự cùng làm việc với nhóm dự án; đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất; đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư trang thiết bị để thực hiện dự án cải tiến NSCL; ban hành chế độ khen thưởng, kỷ luật phù hợp…

Thực tế triển khai cho thấy, các dự án NSCL đạt được kết quả/hiệu quả như mong đợi là do có được yếu tố “tiên quyết” đó là vai trò mang tính quyết định của lãnh đạo DN. Bên cạnh đó, vai trò của các cán bộ quản lý cấp trung và người lao động cũng hết sức quan trọng. Các dự án NSCL tại DN đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, lợi ích của mô hình, công cụ cải tiến NSCL.

Lợi ích thiết thực mà các mô hình, công cụ cải tiến NSCL đem lại cho bản thân người lao động, đó là giúp họ có môi trường làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn– cùng một thời gian làm việc nhưng số sản phẩm nhiều hơn và lãng phí ít hơn.

Chương trình quốc gia về NSCL đã thúc đẩy môi trường cải tiến NSCL cho DN với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn về NSCL. Các chuyên gia đã thực hiện hướng dẫn phương pháp triển khai dự án, đôi khi là “cầm tay chỉ việc”, qua đó giúp DN tiếp cận, nắm bắt, từng bước áp dụng và chủ động mở rộng áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL vào DN.

Bên cạnh đó, vai trò của nhóm dự án NSCL tại DN (bao gồm các cán bộ quản lý, kỹ thuật nòng cốt của doanh nghiệp) đóng vai trò quyết định đến thành công lâu dài của dự án. Các DN có được thành công trong thực hiện dự án cải tiến NSCL là nhờ nhóm dự án có tinh thần trách nhiệm, cầu thị, tiếp thu và chủ động áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL vào DN, thực hiện việc duy trì, phát triển dự án sau khi nhiệm vụ của Chương trình kết thúc.

 Cần tiếp tục tuyên truyền liên tục, sâu rộng với các nội dung thiết thực, cụ thể về năng suất chất lượng tới doanh nghiệp

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong triển khai dự án NSCL tại DN , đó là lãnh đạo một số DN chưa thực sự quan tâm theo đúng như cam kết ban đầu. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, do vậy, nhiều DN trong quá trình triển khai phải tạm dừng để tập trung giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, hoặc có DN phải thay đổi nhân sự trong quá trình triển khai (kể cả lãnh đạo cấp cao và cấp trung) nên thời gian triển khai dự án NSCL tại DN kéo dài hơn dự định hoặc phải dừng lại.

Hơn nữa, việc triển khai dự án NSCL tại nhiều DN gặp khó khăn do tâm lý làm việc theo thói quen, ngại thay đổi. Việc thu thập thông tin, dữ liệu sản xuất chưa được quan tâm hoặc thực hiện không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, nhận diện, xác định các vấn đề cần cải tiến, đôi khi dẫn đến việc xác định chưa phù hợp với vấn đề cần ưu tiên của DN.

Các DN vừa và nhỏ thường hạn chế về nguồn lực, do vậy, các vấn đề tồn tại tuy nhận diện ra nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết không triệt để, dẫn đến hiệu quả của dự án không cao.

Chương trình đã thực hiện phổ biến, cung cấp thông tin về các giải pháp cải tiến NSCL, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến NSCL cho DN thông qua các hội thảo, hội thảo, diễn đàn… Tuy nhiên, đối tượng tham gia các sự kiện này chủ yếu là công nhân viên của DN, rất ít lãnh đạo DN tham gia, nên thông tin đôi khi đến với lãnh đạo DN không đầy đủ. Do đó, việc lựa chọn nhân sự tham gia của một số DN chưa thực sự phù hợp với thực trạng DN, hoặc nhiều DN rất có tiềm năng triển khai dự án NSCL nhưng lại không đăng ký tham gia dự án.

Thành công hay thất bại của hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ DN triển khai thực hiện Dự án cải tiến NSCL phụ thuộc nhiều vào trình độ năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia tư vấn về NSCL. Thực tế, trong một số dự án NSCL tại DN, chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng với lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù của DN, do đó, kết quả thực hiện dự án chưa cao.

 Ngoài ra, việc lựa chọn DN thực hiện dự án đôi khi còn chưa thực sự phù hợp với thực trạng của DN, mang tính áp đặt. Các yêu cầu về hồ sơ công việc, thủ tục thanh quyết toán còn phức tạp, chưa tạo sự chủ động cho đơn vị tư vấn hỗ trợ DN.

 Lợi ích thiết thực mà các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đem lại là môi trường làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn.

Các dự án NSCL hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác. Kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ tính trên đầu DN còn khiêm tốn. Kinh phí đối ứng của DN để thực hiện các dự án NSCL còn hạn chế, chủ yếu từ ngày công, hiện vật quy đổi.

Nâng cao hiệu quả triển khai dự án NSCL tại doanh nghiệp

Trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền liên tục, sâu rộng với các nội dung thiết thực, cụ thể về NSCL tới DN. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn NSCL với sự tham gia của các nhà lãnh đạo DN, nhà quản lý, chuyên gia...

Cần sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư đào tạo cho được đội ngũ chuyên gia nòng cốt về NSCL ở trong và ngoài nước, đồng thời có chính sách, chế độ để duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia này. Mở rộng đào tạo kiến thức NSCL cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, tạo nguồn nhân lực đầu vào chất lượng cao cho DN. Hỗ trợ đào tạo cho người lao động, cán bộ quản lý NSCL tại DN.

Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL, áp dụng các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Các nội dung hỗ trợ cần đa dạng hơn, gắn với nhu cầu thực tế của DN trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của DN và đánh giá đúng các thách thức DN gặp phải trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng các mô hình điểm về áp dụng thành công các giải pháp nâng cao NSCL. Thiết lập cơ sở dữ liệu, tài liệu, chuyên san, cẩm nang về NSCL phục vụ DN.

 Hoạt động hỗ trợ DN cần thiết phải được tổ chức theo nguyên tắc đúng nội dung, đúng đối tượng, nhưng phải kịp thời, thủ tục đơn giản, thuận lợi, mang tính khuyến khích, động viên.

Nguyễn Ngọc Tuấn

Đảm bảo tính hợp pháp gỗ nhập khẩu: Vấn đề sống còn của ngành công nghiệp chế biến gỗ(VietQ.vn) - Bình quân mỗi năm, nước ta nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới, tương đương 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102, đây là nguồn gỗ rủi ro cao. Kiểm soát rủi ro, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là vấn đề sống còn của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang