Những hóa chất thường gặp có thể làm suy yếu chất lượng tinh trùng

author 19:04 22/06/2022

(VietQ.vn) - Một công bố mới trên tạp chí Environment International đã phát hiện ra hàm lượng các hóa chất có khả năng làm giảm chất lượng tinh trùng ở mức độ cao

Giảm chất lượng tinh trùng là nguyên nhân gây hưởng tới sức khỏe sinh sản của nam giới và cả hạnh phúc gia đình. Đây cũng là một trong các yếu tố dẫn đến vô sinh của nhiều cặp vợ chồng hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng giảm chất lượng tinh trùng, tinh trùng yếu như do di truyền, bệnh lý mắc phải, do thể trạng… Nhưng cũng có nhiều thói quen, lối sống hoặc do những loại hóa chất tiềm ẩn trong nhiều thực phẩm, đồ uống, đồ dùng quen thuộc hàng ngày. 

Một công bố mới trên tạp chí Environment International đã phát hiện ra hàm lượng các hóa chất như BPA, dioxins, paracetamol và phthalates có khả năng làm giảm chất lượng tinh trùng ở mức độ cao trong mẫu nước tiểu của gần 100 đàn ông Đan Mạch, độ tuổi 18-30. Trong đó, mức trung bình các hóa chất này cao hơn mức an toàn 17 lần, có chất nồng độ cao gấp 100 lần mức an toàn.

 Nhiều hóa chất có khả năng làm chất lượng tinh trùng giảm. Ảnh minh họa

Theo thống kê, số lượng và nồng độ tinh binh trong tinh dịch của đàn ông phương Tây đang có xu hướng giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng 50% về lượng so với 40 năm trước. Tỷ lệ các dị tật, dị dạng liên quan tới hệ sinh dục cũng đang theo xu hướng tăng. Ngoài các nguyên nhân tác động trực tiếp đến đàn ông trưởng thành, tiếp xúc với tác nhân có hại trong giai đoạn bào thai thông qua mẹ cũng có vai trò rất quan trọng.

Nghiên cứu chỉ ra BPA (bisphenol A) là hóa chất đáng báo động nhất tìm thấy trong mẫu nước tiểu, sau đó là dioxins, paracetamol và phthalates. Tuy nhiên, nếu loại bỏ BPA, tác động tổng hợp của các yếu tố còn lại cũng vẫn còn ở mức cao và dễ làm giảm chất lượng tinh dịch.

BPA: Chất được sử dụng để tổng hợp nhiều loại nhựa, chủ yếu là polycarbonate và epoxy. Ở Mỹ, Canada, EU, BPA đã bị cấm để sản xuất bình sữa và bao bì sữa trẻ em. Tuy nhiên, BPA vẫn còn thông dụng trong các sản phẩm nhựa mà người lớn sử dụng như mặt hàng đóng gói bằng nhựa, thực phẩm đóng hộp, giấy in hóa đơn nhiệt, đồ điện tử gia dụng...

Dioxins: Chúng ta biết tới dioxin trong chất độc da cam, nhưng không nhiều người biết rằng các chất dioxin vẫn thường xuyên sinh ra trong quá trình đốt gỗ, than, dầu, đốt rác. Dioxin bám lên bề mặt thực vật sẽ đi vào đường tiêu hóa của động vật ăn cỏ và tiếp tục tích tụ trong động vật ăn thịt.

Dioxin tích tụ nhiều trong mô mỡ và rất bền. Với mức độ khuếch đại nhiều lần qua chuỗi thức ăn, chỉ cần nồng độ thấp của dioxin trong môi trường có thể dẫn tới hàm lượng cao trong các động vật ở vị trí cao trong chuỗi thức ăn, trong đó có con người.

Paracetamol (acetaminophen): Chúng ta chưa có kết luận thật rõ ràng nhưng gần đây người ta thấy mối liên hệ giữa paracetamol liều cao tới biến dạng tinh binh và ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh. Paracetamol được dùng trong các thuốc giảm đau như Panadol và Tylenol. Tuy nhiên, ngay cả khi không dùng thuốc giảm đau thì paracetamol cũng có thể tích tụ trong người thông qua paracetamol tồn dư trong môi trường, thực phẩm.

Paracetamol có thể tồn dư trong thịt động vật có sử dụng thuốc chứa paracetamol trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, paracetamol còn là sản phẩm chuyển hóa từ anilline là chất dùng trong nhựa, cao su, thuốc bảo vệ thực vật, màu thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm dệt may hoàn toàn có thể vô tình chúng ta hấp thụ phải.

Phthalates: Đây là hóa chất thuộc nhóm plasticizer dùng trong tổng hợp nhựa, làm cho chúng dẻo hơn. Phthalates có rất nhiều trong các sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân (dầu gội, sơn móng tay, nước hoa...) và nhựa. Đặc biệt, với thực phẩm, phthalates được phát hiện có nhiều trong sữa và gia vị, do tiếp xúc liên tục với màng bọc, bao bì.

Phthalates có thể đi vào cơ thể trẻ em do mút ngón tay sau khi tiếp xúc với sàn lau dùng chất tẩy rửa và đồ chơi bằng nhựa. Ngoài ra, phthalates còn hấp thụ trực tiếp được qua da nên chúng ta có thể vẫn hấp thụ hàng ngày do mỹ phẩm, nước hoa xịt phòng, nước hoa cá nhân. Trẻ em thường xuyên được mẹ thoa kem dưỡng da, dùng dầu gội, phấn rôm cũng đã được ghi nhận có tăng phthalates trong nước tiểu.

Theo các nhà nghiên cứu, đây chỉ là những hóa chất nguy cơ cao và phổ biến nhất có thể làm giảm sút chất lượng tinh trùng. Các yếu tố liên quan tới sinh hoạt như hút thuốc, rượu bia cũng đều được ghi nhận tác hại với chất lượng tinh dịch.

Chúng ta có thể thấy phần lớn các yếu tố có nguy cơ cao làm giảm chất lượng tinh dịch đều gắn với cuộc sống hiện đại. Thậm chí, ở một quốc gia phát triển và môi trường sạch như Đan Mạch, tình trạng này còn ở mức báo động. Đây có thể là lý do ngày càng nhiều trường hợp hiếm muộn hoặc thậm chí vô sinh cả ở người trẻ.

Do đó, theo các chuyên gia, để giảm thiểu tình trạng này, nam giới cần xây dựng một lối sống lành mạnh. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây hại bằng cách duy trì cân nặng hợp lý.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu chất chống ôxy hóa sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh trùng. Không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia cũng là biện pháp để tăng chất lượng tinh trùng. Duy trì phương pháp tập luyện khoa học, tập vừa sức, không vận động quá mạnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang