Những loại thực phẩm ‘âm thầm’ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường

authorNgọc Nga 14:51 05/05/2023

(VietQ.vn) - Củ và hạt giàu tinh bột, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, trái cây chế biến...là những thực phẩm có thể khiến người tiêu dùng mắc đái tháo đường.

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường...

Đái tháo đường là một bệnh nặng gây tổn thương nhiều cơ quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh và là một gánh nặng vì việc điều trị và chăm sóc rất tốn kém, phức tạp. Đáng chú ý, có trên 50% số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng ở Việt Nam không được phát hiện sớm mà chỉ được biết khi đã có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như biến chứng tim mạch, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân...

Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu mọi người dân chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hằng ngày. Bởi thực tế có một số loại thực phẩm chứa đường ẩn hoặc chất béo bão hòa dư thừa có thể dẫn đến vấn đề về sức khỏe, trong đó làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.

 Nhiều loại thực phẩm âm thầm gây mắc bệnh đái tháo đường nên tránh dùng nhiều. Ảnh minh họa

Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến

Theo các nghiên cứu của Mỹ cho thấy, sắt heme (được tìm thấy trong thịt đỏ) dễ hấp thụ hơn so với sắt không phải heme (chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật) và có thể là một phần nguyên nhân gây ra rủi ro liên quan này. Khả năng lượng sắt hấp thụ cao có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường đã được đề xuất.

Một giả thuyết cho rằng sắt dẫn đến suy giảm chức năng tế bào beta trong tuyến tụy (tế bào sản xuất insulin, một loại hormone cho phép tế bào hấp thụ glucose) do stress oxy hóa (tạo ra nhiều phân tử oxy không ổn định hơn so với chất chống oxy hóa của cơ thể có thể trung hòa).

Một kết quả khác của stress oxy hóa gây ra bởi lượng sắt heme cao có thể làm giảm sự hấp thu glucose ở các vị trí tế bào cơ và mỡ, dẫn đến kháng insulin. Kháng insulin là dấu hiệu báo trước của bệnh đái tháo đường type 2.

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, thịt đỏ đặc biệt là thịt đã qua chế biến như xúc xích, lạp xưởng, thịt bò, thịt lợn muối... thường được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày nhất là bữa sáng. Tuy nhiên việc ăn thịt đỏ quá nhiều lại làm tăng nguy cơ đái tháo đường typ 2.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thịt được nấu ở nhiệt độ cao đến mức chín kỹ hoặc cháy thành than có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh đái tháo đường type 2.

Thịt đỏ và thịt chế biến cũng được biết là có nhiều nitrit và nitrat. Những điều này đã được chứng minh là dẫn đến tăng đề kháng insulin, lượng đường trong máu bất thường và tăng stress oxy hóa… Tất cả có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.

Thịt đỏ đã qua chế biến thường gặp như xúc xích, thịt xông khói...thường có các chất bảo quản có chứa nitrate, đây là chất có khả năng làm tăng đề kháng với insulin. Ngoài ra trong thịt đỏ có lượng sắt rất cao, khi ăn thịt đỏ quá nhiều có thể làm tăng lượng sắt trong cơ thể và có nguy cơ gây ra đái tháo đường typ 2.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra nếu sử dụng 100 gram thịt đỏ như thịt bò trong khẩu phần ăn hằng ngày thì có 20% tiến triển thành đái tháo đường typ 2. Tương tự như vậy nếu thay bằng thịt đỏ đã qua chế biến với lượng chỉ bằng 1⁄2 như 2 lát thịt lợn muối hoặc 1 cái xúc xích mỗi ngày thì nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 lên đến hơn 50%.

Thịt đỏ rất tốt cho sức khỏe nhưng với điều kiện bạn phải biết sử dụng chúng với lượng hợp lý. Không nên coi thịt đỏ là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày mà chúng ta cần kết hợp sử dụng các nguồn protein khác từ sữa, trứng, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá... Ngoài ra để giảm nguy cơ đái tháo đường typ 2 nên có chế độ ăn kết hợp nhiều rau xanh, ít chất béo và tập luyện khoa học hơn.

Trái cây khô, trái cây chế biến

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh, các sản phẩm trái cây khô, trái cây qua chế biến khiến lượng nước mất đi, lượng đường được cô đặc làm hàm lượng đường tăng lên. Ngoài ra các nhà sản xuất thực phẩm trái cây sấy khô còn cho thêm đường hoặc sirô vào trái cây trước khi sấy làm cho trái cây khô ngọt, hấp dẫn hơn. Điều này rất nguy hiểm cho những người ăn thường xuyên, đặc biệt là người bệnh tiểu đường. Do đó người bệnh nên chọn những sản phẩm trái cây sấy khô tự nhiên, không thêm đường. Ngoài ra, nhiều sản phẩm trái cây sấy khô còn bỏ thêm muối. Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều muối sẽ dễ tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

Gạo trắng

Một nghiên cứu trên 132.000 người từ 21 quốc gia của Mỹ cho thấy, ăn nhiều gạo trắng có liên quan nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng 20% so với tiêu thụ ít gạo. Gạo là một loại ngũ cốc chủ yếu trong nhiều chế độ ăn uống và khu vực trên khắp thế giới. Gạo trắng là một loại ngũ cốc tinh chế đã được loại bỏ cám và mầm, để lại nội nhũ tinh bột. Do quá trình chế biến này, so với gạo lứt, gạo trắng có ít chất xơ, polyphenol và các vitamin, khoáng chất khác. Gạo trắng cũng có chỉ số đường huyết cao hơn, có nghĩa là nó có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao sau khi ăn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị nên dành ít nhất một nửa lượng ngũ cốc hàng ngày là ngũ cốc nguyên hạt. Gạo lứt là một cách tuyệt vời để bổ sung một số loại ngũ cốc nguyên hạt của bạn. Các lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt khác bao gồm quinoa, lúa mạch…

Nước ngọt

Theo một nghiên cứu theo dõi chế độ ăn uống của 350.000 người ở 8 quốc gia châu Âu đó là Anh, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp, Ý, Hà Lan cho thấy cứ thêm 1 cốc nước ngọt có ga, nguy cơ tiểu đường sẽ tăng 22%. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng thêm 12 ounce (340 ml) đồ uống có đường tương đương một lon Coca Cola hay Pepsi sẽ làm tăng hơn 1/5 nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với những người một tháng chỉ uống một lon hoặc ít hơn.

Patrick Wolfe, một chuyên gia từ Đại học College London, không tham gia nghiên cứu cũng cho biết, kết quả là hết sức rõ ràng, nước ngọt không có giá trị dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe - Nghiên cứu được đăng trên tạp chí The journal Diabetologia.

Do đó, thay vì uống soda suốt cả ngày, hãy chọn nước lọc. Nếu bạn muốn một chút hương vị, hãy thử thêm trái cây tươi (chanh), rau thơm (bạc hà hoặc húng quế) hoặc rau (dưa chuột). Nếu thèm cảm giác sủi bọt đó, hãy thử nước có ga với một chút nước ép trái cây 100%.

Món mặn

Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị tiêu thụ ít hơn 2.300 mg natri mỗi ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, mọi người thường tiêu thụ trung bình hơn 3.400 mg natri mỗi ngày, cao hơn khuyến cáo. Mặc dù natri và thức ăn mặn không làm tăng lượng đường trong máu, chúng có thể làm tăng huyết áp. Huyết áp cao và bệnh đái tháo đường type 2 thường xảy ra cùng nhau.

Huyết áp cao tăng gấp đôi ở những người mắc bệnh đái tháo đường so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Cả hai bệnh đều ảnh hưởng hệ thống mạch máu của cơ thể. Huyết áp cao còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ và bệnh thận.

Một nghiên cứu đã so sánh những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 với những người không mắc bệnh đái tháo đường, liên quan lượng muối của họ trong bữa ăn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người thêm muối vào bữa ăn so với những người không bao giờ thêm muối, có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 tăng gần gấp đôi.

Đồ ăn nhẹ có hàm lượng natri cao bao gồm khoai tây chiên, bánh quy, bỏng ngô muối, đồ ăn vặt chế biến sẵn đông lạnh, thịt bò khô và thịt nguội... Hãy tìm các sản phẩm ít natri hoặc không thêm muối của những món ăn nhẹ này để giúp kiểm soát lượng natri của bạn.

Cá tẩm bột

Một nghiên cứu trên 35.000 nam giới Thụy Điển được theo dõi trong 15 năm đã kết luận rằng cá chiên có liên quan việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Các chuyên gia không biết lý do chính xác tại sao cá chiên, tẩm bột làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 nhưng một số gợi ý rằng, lượng chất béo tổng thể cao hơn có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, thành phần axit béo của thực phẩm có thể thay đổi trong quá trình chiên, có thể dẫn đến mất axit béo omega-3 lành mạnh và làm tăng các axit béo kém lành mạnh khác.

Bên cạnh đó, nấu ở nhiệt độ cao, bao gồm chiên ngập dầu, thúc đẩy sự hình thành các hợp chất gây đột biến (gây ra hoặc có khả năng gây đột biến gen), chẳng hạn như amin dị vòng, cũng như các sản phẩm cuối cùng của glycation (AGEs), có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin.

Gia vị và sốt salad

Theo hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng 2022 của Mỹ, đường chỉ nên chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chế độ ăn của chúng ta. Lượng đường tiêu thụ hàng ngày chỉ nên tối đa 24 g/ngày đối với phụ nữ và 36 g/ngày cho nam giới. Như vậy, lượng đường cho từng bữa ăn chỉ nên từ 8-12 g hoặc ít hơn.

Trong cả ngày, khoảng 100-150 calories từ đường thêm vào. Các sản phẩm như nước sốt, với thành phần thường là đường, muối và dầu ăn để tạo hương vị thơm ngon, lượng calories nhờ thế mà tăng lên.

Về cơ bản, mọi loại nước sốt với các gia vị thêm vào có thể phù hợp với mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng hãy để ý tới lượng tiêu thụ. Có thể tự làm nước sốt tại nhà để kiểm soát thành phần, hoặc chọn loại chứa ít đường, nhằm mục tiêu kiểm soát đường huyết đối với người có nguy cơ đường huyết cao.

Ngọc Nga (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang