Loạt thực phẩm có thể 'bào mòn' thận

authorNgọc Nga 16:10 21/06/2022

(VietQ.vn) - Thực phẩm luôn là nguồn dinh dưỡng nuôi sống cơ thể nhưng có rất nhiều loại thực phẩm gây hại thận.

Lọc máu và chất thải là chức năng chính của thận. Thận sẽ lọc các chất thải, giữ lại protein và các tế bào máu. Chất thải sẽ được tiết ra vào dịch lọc để hình thành nước tiểu. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng chứa nhiều protein, kali, natri tạo áp lực lớn cho thận, khiến cơ quan này phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn tới các bệnh lý về thận.

Natri

Natri là khoáng chất tự nhiên được tìm thấy nhiều trong muối và một số loại thực phẩm. Với những người bị bệnh thận, ăn quá nhiều natri có thể gây tích tụ chất lỏng trong cơ thể, dẫn đến phù nề chân, tăng huyết áp, khó thở, nhiều chất lỏng quanh tim, phổi.

Tổ chức Thận Quốc gia khuyến nghị những người khỏe mạnh không nên ăn quá 2.300 mg natri mỗi ngày. Natri còn có nhiều trong ngũ cốc, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, pizza, khoai tây chiên, mì ăn liền, dưa chua và cải...

Hầu hết loại thực phẩm đóng hộp đều có hàm lượng natri cao vì muối thường được dùng làm chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng. Người bị bệnh thận mạn tính giai đoạn 3 không thể loại bỏ natri dư thừa nên cần hạn chế thực phẩm đóng hộp. Trong khi đó, ăn thịt chế biến và thịt đỏ có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn tính. Dưa chua và cải ngọt cũng chứa nhiều natri, điển hình một cây dưa muối lớn chứa tới 1.630 mg natri.

Kali

Kali là khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc. Nếu thận khỏe mạnh, chúng sẽ cân bằng được nồng độ kali trong máu. Nhưng với người bị bệnh thận, thực phẩm chứa nhiều kali là "sát thủ" khiến cơ quan này tổn thương nhiều hơn.

Người mắc bệnh thận không nên ăn quá 2.000 mg kali/ngày. Họ thường được yêu cầu hạn chế ăn bánh mì nguyên cám vì chúng chứa nhiều kali, phốt pho hơn bánh mì trắng.

 Nhiều thực phẩm chứa kali có thể gây hại thận. Ảnh minh họa

Một số thực phẩm khác chứa nhiều kali như sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, sữa và kem; mơ khô, chocolate, đậu lăng và các loại đậu nói chung; các loại hạt; bơ đậu phộng...

Bên cạnh đó, theo tạp chí Healthline, chuối là loại quả chứa hàm lượng kali rất cao, có thể gây hại cho người bị bệnh thận. Người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn 3.500-4.700 mg kali/ngày từ thực phẩm, trong khi một quả chuối trung bình (150 g) đã chứa 537 mg. Nhưng nếu bị bệnh thận, lượng kali tiêu thụ cần thấp hơn vì cơ thể không lọc được lượng dư thừa, có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Bơ cũng chứa nhiều kali, một quả bơ nặng khoảng 200 g chứa 975 mg kali, gần 50% lượng khuyến nghị hàng ngày cho những người bị bệnh thận.

Không chỉ có lượng calo thấp và giàu vitamin C, cam cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào. Quả cam trung bình cung cấp 240 mg kali và một ly nước cam có thể chứa khoảng 470 mg. Lượng kali cao có thể gây hại thận. Thay vào đó, bạn có thể chọn các loại trái cây bổ dưỡng và chứa lượng kali thấp như nho, táo, việt quất…

Phốt pho

Phốt pho là khoáng chất được tìm thấy trong xương. Cơ thể cần nó để luôn trong trạng thái khỏe mạnh nhưng vượt quá mức 700 mg phốt pho mỗi ngày dễ phản tác dụng, khiến nó gây tổn thương thận ở mức độ cao. Phốt pho có nhiều trong hầu hết loại nước ngọt có màu sẫm, bởi đây là chất phụ gia để tăng thời gian bảo quản, sử dụng và tăng hương vị. Đồ uống tốt nhất cho thận là nước, soda kem, soda chanh, nước chanh.

Một số thực phẩm khác chứa nhiều phốt pho như: Kẹo, chocolate, caramel, các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa, kem, sữa chua...), thịt đỏ, nội tạng, hàu, cá mòi, trứng cá, thực phẩm chế biến sẵn (pizza, xúc xích, thịt xông khói...), bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám...

Ngoài ra, theo Webmd, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu protein như thịt đỏ là nguyên nhân gây ra các vấn đề về thận. Protein là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nhưng nó khó tiêu hóa. Ăn nhiều protein khiến thận khó loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thịt đỏ kích thích sản xuất axit uric, nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận.

Hoa quả và rau

Trái cây và rau xanh được khuyến cáo tốt cho sức khỏe, nên ăn nhiều. Nhưng một số loại rau củ quả có hàm lượng khoáng chất cao, người bị bệnh thận hoặc thận yếu cần hạn chế như bơ, chuối, cam, trái cây sấy khô, atiso, củ cải, bông cải xanh, bắp cải brucxen, cà rốt, su hào, rau chân vịt, bí đao, cà chua, nấm trắng, nước ép rau củ, các loại khoai tây...

Đồ uống tối màu

Ngoài lượng calo và đường mà nước ngọt cung cấp, chúng còn chứa các chất phụ gia có chứa photpho, đặc biệt là có màu đậm.

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm bổ sung phốt pho trong quá trình chế biến các mặt hàng thực phẩm và đồ uống để tăng hương vị, kéo dài thời hạn sử dụng và ngăn ngừa sự đổi màu. Lượng phốt pho được thêm vào này dễ được cơ thể hấp thụ hơn nhiều so với phốt pho tự nhiên, động vật hoặc thực vật.

Không giống như phốt pho tự nhiên, phốt pho ở dạng phụ gia không bị ràng buộc với lượng protein nhất định. Thay vào đó, nó được tìm thấy ở dạng muối và có khả năng hấp thu cao qua đường ruột. Phốt pho phụ gia thường có thể được tìm thấy trong danh sách thành phần của sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thực phẩm không bắt buộc phải liệt kê hàm lượng chính xác của phốt pho phụ gia trên nhãn thực phẩm.

Mặc dù hàm lượng phốt pho phụ thuộc vào loại đồ uống, hầu hết cola màu tối được cho là chứa 50-100 mg trong một khẩu phần 200 ml. Do đó, để thực hiện chế độ ăn uống tốt cho thận nên tránh sử dụng đồ uống có màu sẫm.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang