Thép nhái thương hiệu tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ khi sử dụng

author 07:30 24/08/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, tình trạng sản xuất và kinh doanh thép nhái gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi gây ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Kinh doanh thép nhái thương hiệu ngày càng tinh vi

Thép là những vật liệu chính quyết định đến chất lượng công trình xây dựng. Thế nhưng, vì lợi nhuận, một số chủ cơ sở kinh doanh đã sẵn sàng “phù phép” những sản phẩm tôn, thép kém chất lượng thành chính hãng để “móc túi” người tiêu dùng, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình và uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cụ thể, mới đây Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế và Ma túy - Công an thành phố Dĩ An (Bình Dương) cùng đại diện Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát đã tiến hành kiểm tra đối với kho hàng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt tại địa chỉ số 48, Quốc Lộ 1K, khu phố Đông A, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An (Bình Dương).

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận tại kho hàng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt có chứa 5.914 kg ống thép ghi nhãn hiệu Hòa Phát các loại. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH MTV Ống thép Hòa Phát xác định không phải hàng do công ty sản xuất ra.

 Tôn thép giả mạo nhãn hiệu gây nhiều ảnh hưởng cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang

Ngoài ra, tại hiện trường còn có 12.252 kg thép xây dựng các loại mang nhãn hiệu khác. Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tương Lai Việt không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Tương tự, khi đang tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Chốt kiểm soát dịch bệnh số 3 trên địa bàn xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát hiện 01 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, xử lý, thu phạt hơn 6 triệu đồng.

Theo đó, trong lúc tạm dừng phương tiện vận tải biển kiểm soát số 63H-000.18 để kiểm soát về phòng, chống dịch Covid-19, Đội QLTT số 1 cùng các ngành chức năng phát hiện dấu hiệu vi phạm nên tiến hành khám phương tiện này. Kết quả, phát hiện trên phương tiện đang vận chuyển 1,3 tấn dây thép Ø 4.0 mm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhưng không có nhãn hàng hóa, với giá trị hàng hóa vi phạm là 26 triệu đồng.

Đội QLTT số 1 hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý đối với chủ hàng hóa về hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa.

Thép nhái thương hiệu gây ra những rủi ro gì?

Theo tìm hiểu để làm ra các loại thép nhái thương hiệu không khó. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần trang bị một hệ thống in phun chưa đầy 200 triệu đồng là có thể “hô biến” các sản phẩm kém chất lượng thành đủ các thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, các sản phẩm thép nhái thường có dòng in vi tính bị nhòe, không rõ ràng, sắc nét hoặc không thể hiện đầy đủ thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất chính hãng; đặc biệt, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với các loại thép chính hãng.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, việc kinh doanh thép nhái không những ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng mà còn tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, tác động tiêu cực đến lợi nhuận, uy tín của các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chân chính làm thất thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc kinh doanh thép nhái còn làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đe dọa an toàn tính mạng của nhân dân.

Do đó, để giảm thiểu các hành vi trên cần thiết phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, cùng các lực lượng quản lý dưới quyền tại địa phương như công an kinh tế, quản lý thị trường,... Bởi mọi hiện tượng sự việc vi phạm đều bắt nguồn từ cơ sở và cơ sở đều nắm được, điều quan trọng có quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không.

Đặc biệt, cần nâng cao vai trò trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, đảm bảo lực lượng phải trong sạch vững mạnh, đảm bảo thu nhập tương đối đủ sống để họ không bỏ qua những vi phạm đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường tại các địa phương sở tại.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Thế Bảo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam chia sẻ, về vấn đề chống hàng giả, các doanh nghiệp cũng nên ủng hộ các lực lượng thực thi trong vấn đề này. Cuộc đấu tranh này nếu không có lực lượng quản lý thị trường thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hàng giả sẽ tràn vào gấp mấy lần hiện nay. Tuy nhiên, các lực lượng thực thi cần chống cho được hiện tượng tiêu cực. Mong rằng các lực lượng thực thi cần trao lòng tin cho doanh nghiệp trong chống hàng giả, hàng nhái từ đó, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp cho phát triển của đất nước.

Hình thức xử phạt với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu

Theo luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, thành viên Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp; trong đó có hành vi làm giả, nhái các nhãn hiệu lớn trên thị trường nhằm trục lợi bất chính, đơn cử như các mặt hàng tôn thép, mỹ phẩm, giày dép...

Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; trong đó, khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang