Những thói quen ăn uống dễ gây bệnh ung thư

author 11:34 02/11/2012

(VietQ.vn) - Thói quen ăn uống và nguy cơ mắc bệnh ung thư có mối quan hệ mật thiết với nhau, vậy thói quen ăn uống nào cần phải loại bỏ?

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Hãy cảnh giác với 8 thói quen ăn uống sau đây:

 

1. Ăn quá nóng

Theo nghiên cứu lâm sàng, các bác sĩ đã phát hiện ra rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở hệ tiêu hóa, đặc biệt là ung thư thực quản, ung thư dạ dày có chung một đặc điểm “nhận dạng” đó là họ thích ăn đồ nóng, uống trà nóng. Đây chính là một thói quen không tốt gây bệnh cho họ khi bước vào tuổi trung niên.

Phần lớn những người bị ung thư thực quản thích uống trà nóng, ăn đồ ăn nhanh và uống rượu. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh được rằng, uống trà quá nóng có thể phá vỡ niêm mạc – một “tấm bình phong” của thực quản. Ăn đồ ăn quá nóng và uống rượu nhiều có thể làm tổn thương và ăn mòn niêm mạc thực quản, khi bệnh xuất hiện ở các tế bào niêm mạc sẽ dần dần gây ra ung thư.

2. Ăn uống vội vàng, qua loa

Ăn tranh thủ, ăn vội ăn vàng dường như đã trở thành một “bệnh” phổ biến đối với dân văn phòng ngày nay. Do áp lực của công việc và cuộc sống khiến cho họ rơi vào tình trạng làm việc căng thẳng cao độ, ăn uống với họ dường như chỉ đơn giản là ăn cho xong, cho nên, tốc độ ăn rất nhanh. Đó là cách ăn uống rất bất lợi cho sức khỏe.

 

Ăn nhanh, thức ăn không được nhai kỹ, dễ làm tổn thương đến niêm mạc đường tiêu hóa, gây chứng viêm mạn tính; ngoài ra, thức ăn được chưa được nhai kỹ sẽ trở nên rất “cồng kềnh”, gây kích thích cơ giới khá mạnh đến đường tiêu hóa (thực quản và môn vị), lâu dần sẽ dẫn đến ung thư.

3. Ăn quá no

Một lần ăn no, ăn quá nhiều thứ thì ruột và dạ dày sẽ chịu tổn thương đầu tiên, ăn uống quá no khiến cho chức năng của dạ dày và ruột không được điều hòa, lâu dần sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ bị ung thư.

4. Thường xuyên ăn ở bên ngoài

Do tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, mức sống được nâng cao rất nhiều, do vậy cũng làm thay đổi thói quen ăn uống ở nhà. Nhiều người vì lý do công việc nên thường xuyên phải đi ăn nhậu xã giao, tiệc tùng liên miên, thất thường, dần dần sẽ hại đến chức năng của lá lách và dạ dày. Mặt khác, thức ăn ở ngoài thường chiên dầu ở nhiệt độ cao để món ăn trông đẹp và hấp dẫn, cho nhiều chất phụ gia, so với đồ ăn nấu trong gia đình, chúng có chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Đồng thời, khi tụ tập đông vui thường uống nhiều rượu chắc chắn sẽ gây thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tạo thêm một điều kiện nữa để bệnh ung thư có cơ hội phát sinh.

 

5. Uống rượu nhiều, thường xuyên

Uống rượu vừa phải có thể giúp tinh thần phấn chấn, đem lại cảm giác sảng khoái, vui vẻ cho con người, giúp cho đầu óc tỉnh táo, giãn gân, hoạt huyết, cải thiện sự tuần hoàn máu, nâng cao khả năng miễn dịch, thúc đẩy sự thèm ăn, giúp ngủ ngon. Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi ngày uống dưới 0,2 lít rượu có thể giảm 20% nguy cơ bị mắc bệnh tim do xơ cứng động mạch vành, hơn nữa cũng rất có lợi cho bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

Nhưng, bất kỳ cái gì cũng phải ở mức độ vừa phải, uống rượu nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Thành phần chủ yếu của rượu là ethyl alcohol - một chất độc hại đối với các tế bào của các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn hại đến các hệ thống, cơ quan trong cơ thể. Những người uống rượu mạnh, hoặc mỗi ngày uống từ 0,4 lít rượu trở lên hoặc uống nhiều bia,… đều rất dễ mắc bệnh ung thư. Một điều cần lưu ý đó là không uống rượu khi đói. Vì khi dạ dày không có thức ăn, thì rượu và cồn sẽ nhanh chóng được hấp thu qua niêm mạc dạ dày một cách trực tiếp khiến cho nồng độ cồn trong máu tăng nhanh có hại rất lớn đến sức khỏe, vì vậy trước khi uống rượu cần ăn một chút gì đó trước. Ngoài ra, có thể uống loại rượu nhẹ hơn như rượu trái cây và ăn cá, thịt nạc, các loại đỗ, trứng,… để bổ sung chất xúc tác và vitamin cần thiết để thay thế, “đốt cháy” lượng cồn trong gan.

6. Không thích ăn rau xanh và hoa quả

Rau xanh hoa quả là một phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta, cho nên, người chỉ thích ăn thịt, không thích ăn rau xanh và hoa quả, sẽ có nguy cơ bị mắc ung thư cao. Theo nghiên cứu cho thấy: hấp thụ quá nhiều các loại thịt đỏ hoặc sản phẩm thịt đã được chế biến sẵn trong thời gian dài thì nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng lần lượt sẽ là 29% và 50%. Các nghiên cứu lâm sàng cho biết, có một cặp anh em sinh đôi, họ cùng có thói quen ăn uống giống nhau là thích ăn thịt và uống rượu, không thích ăn rau xanh và hoa quả, kết quả rất đáng buồn, người em bị mắc bệnh ung thư đại tràng, một năm sau người anh cũng được chẩn đoán đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày.

 

Rau xanh và hoa quả là nguồn cung cấp vitamin C tốt nhất, được coi là có tác dụng chống ung thư rất tốt. Cà rốt, cà chua, hành, tỏi, củ cải, cam,… có tác dụng chống ung thư rất mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những khối u ở các bộ phận như: khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột kết, phổi,… càng mạnh hơn. Vì vậy, bình thường chúng ta cần phải chú ý ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

7. Ăn uống không đúng giờ

Ăn uống không đúng giờ hiện nay cũng là “căn bệnh” phổ biến, và tất nhiên như vậy cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, dễ gây béo phì và ung thư dạ dày.

Khi hỏi những người bệnh mắc bệnh ung thư, rất nhiều người đều gặp phải vấn đề như vậy, hoặc là không có thói quen ăn sáng, hoặc là ăn trưa rất muộn, hoặc có thói quen ăn vặt vào lúc nửa đêm. Các bác sĩ khuyên: ăn cơm đúng giờ có lợi cho sự vận hành bình thường của chức năng của lá lách và dạ dày, đảm bảo bổ sung và cân đối lượng khí huyết trong cơ thể, tránh được nguy cơ mất điều hòa chức năng ngũ tạng, phòng được nguy cơ bị ung thư. Mặt khác, ăn uống có lợi cho việc tiết nước bọt, mà nước bọt tiết ra đều đặn đúng giờ có tác dụng loại bỏ, trừ khử chất gây ung thư.

Thi Hương (theo Chinadaily)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang