Những thông số cần biết khi lựa chọn mua máy ảnh kỹ thuật số

authorNgọc Nga 05:31 22/12/2023

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia công nghệ, việc lựa chọn cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số phù hợp, đảm bảo chất lượng thì trước khi mua cần tìm hiểu kỹ các thông số kỹ thuật.

Trước đây do công nghệ còn chưa phát triển, những chiếc máy ảnh kỹ thuật số có giá thành cao, không phải ai cũng có thể sở hữu ngoại trừ những người thợ chụp ảnh chuyên nghiệp. Còn hiện nay các sản phẩm máy ảnh kỹ thuật ngày càng phổ biến hơn trong xã hội. Tuy nhiên để chọn cho bản thân mình một chiếc máy ảnh đảm bảo chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng thì không phải ai cũng biết, đặc biệt là về các thông số kỹ thuật của máy. Do đó, theo các chuyên gia công nghệ, trước khi mua máy ảnh kỹ thuật số người tiêu dùng nên lưu ý những thông số kỹ thuật dưới đây:

Định dạng ảnh và chất lượng

Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất để có một bức ảnh đúng chất lượng, và người tiêu dùng sẽ tìm thấy các cài đặt liên quan trong menu của máy ảnh. Đối với hầu hết các máy ảnh hiện nay đều chia ra 2 định dạng file ảnh chụp được. Đầu tiên là file RAW, đây là một định dạng ảnh kĩ thuật số, lưu tất cả các thông tin mà cảm biến của máy ảnh nhận được. Thông thường, đây là file ảnh giúp sử dụng trong việc hậu kì dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dung lượng của định dạng này khá lớn.

Định dạng JPEG còn lại thông dụng hơn có thể sử dụng để xem và chia sẻ ngay lập tức. Dung lượng ảnh của loại này cũng nhẹ hơn so với ảnh RAW. Nếu sử dụng chụp ảnh JPEG cần phải chú ý đến kích thước hình ảnh và chất lượng hình ảnh. Cả 2 đều có tùy chọn sẵn trong menu của máy.

 

Mua máy ảnh kỹ thuật số cần tìm hiểu kỹ các thông số kỹ thuật. Ảnh minh họa

Tính năng quét hình ảnh

Những chiếc máy ảnh HDSLR có hai loại tính năng quét là quét liên tục và quét đan xen. Quét đan xen phù hợp với chiếc tivi đời cũ. Hiện nay tính năng này đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều và thường được coi là một trong những tính năng cơ bản nhất của bất kỳ chiếc máy ảnh HDSLR nào.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy duy nhất giữa hai loại quét này đó chính là quét đan xen đôi khi có thể không thu được những hình ảnh rõ nét nếu như đối tượng đang được quay di chuyển quá nhanh, trong khi đó tính năng quét liên tục thông thường thì lại hầu như không gặp phải vấn đề này. 

Tốc độ khung hình

Tốc độ khung hình là số khung hình trên giây mà một máy ảnh HDSLR có thể đạt được thông thường chỉ số này là khoảng 30 hình trên một giây. Những máy ảnh có tốc độ khung hình trên 30 hình trên giây có thể cho phép thực hiện thêm một vài hiệu ứng chụp thú vị giả sử như những thước phim có hình ảnh quay ngược chậm.

Kích cỡ, trọng lượng và những phụ kiện

Kích cỡ, trọng lượng và số phụ kiện mà một chiếc máy ảnh có được có thể không thực sự quan trọng như những tính năng thực tế tuy nhiên, chúng cũng đáng được xem xét. Nếu một chiếc máy ảnh quá to, quá cồng kềnh trọng lượng quá nặng hoặc đòi hỏi quá nhiều phụ tùng kèm theo thì sẽ không thể tận dụng được hết những tính năng của nó. Mặt khác, nếu máy ảnh quá nhỏ, nhẹ và rẻ tiền thì có thể sẽ không dùng được lâu dài. Tốt nhất nên tìm một chiếc máy ảnh có trọng lương, kích cỡ trung bình.

Thời gian sử dụng của phim và thẻ nhớ

Một chiếc máy ảnh lý tưởng là phải sử dụng được pin trong một thời gian dài và dễ dàng nạp điện cho pin. Cũng sẽ cần phải tìm hiểu về các loại thẻ nhớ phù hợp với chiếc máy ảnh của mình. Hiện nay trên thị trường có 2 loại thẻ nhớ máy ảnh kĩ thuật số cơ bản là thẻ SD định dạng với dung lượng cao (SDHC), microSDHC.

Các chế độ chụp

Hầu hết các dòng máy ảnh đều có một vòng mode dial để chọn các chế độ hoạt động của máy. Ở đây có tất cả các chế độ để lựa chọn phù hợp với từng thể loại chụp như: Tự động hoàn toàn (thường có biểu tượng màu xanh), chân dung, phong cảnh, marco, thể thao… Bên cạnh đó là các chế độ cho phép người dùng kiểm soát bằng tay như: M - người dùng kiểm soát hoàn toàn khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO, WB…; A, AV (ưu tiên khẩu độ) - người dùng kiểm soát các thông số khác ngoại trừ tốc độ màn trập; S, TV (ưu tiên tốc độ màn trập) - người dùng kiểm soát các thông số khác ngoại trừ khẩu độ; P - người dùng có thể điều chỉnh mọi thông số ngoại trừ khẩu độ và tốc độ màn trập (gần giống chế độ Auto).

Tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập là thời gian để màn trập mở cho ánh sáng đi vào cảm biến. Đây là thông số quan trọng nhất của máy quyết định độ sáng cũng như độ sắc nét của ảnh. Thông số này được đo bằng giây như 1'', 10''. Trong phần lớn các trường hợp được đo bằng một phần của giây như 1/1000s, 1/300s, 1/30s… và được hiển thị trên màn hình của máy dưới dạng số nguyên như 1000, 600, 30…

Nếu tốc độ màn trập nhanh, ảnh có thể bị thiếu sáng, chủ thể nếu di chuyển sẽ bị "đóng băng". Ngược lại, nếu tốc độ màn trập chậm, ảnh có thể bị dư sáng, chủ thể nếu di chuyển sẽ bị nhòe.

Người dùng cũng có thể kiểm soát tốc độ màn trập bằng cách thiết lập máy ảnh để ở chế độ "S" hoặc "TV" tùy từng dòng máy. Hoặc sử dụng chế độ "M" nhưng người dùng cần kết hợp với khẩu độ và ISO để tạo ra bức ảnh chính xác.

ISO

ISO là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh, thể hiện bằng các con số như 100, 200, 800…. Dải ISO tiêu chuẩn là từ 100-6400. Đối với nhiều dòng máy cao cấp, dải ISO có thể lớn hơn rất nhiều.

Nâng cao ISO thường được sử dụng khi chụp trong các tình huống thiếu sáng nhưng muốn có tốc độ chụp cao hơn, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc, trong phòng trưng bày nghệ thuật, tranh ảnh có ánh sáng yếu mà không được sử dụng Flash, các buổi tiệc, sinh nhật… giúp ảnh tăng được độ sáng, tuy nhiên chất lượng ảnh sẽ giảm xuống do độ nhiễu hạt lúc này tăng lên.

ISO 100 thường là lựa chọn mặc định để cho ra những tấm ảnh sắc nét và ít nhiễu hạt nhất. Hầu hết mọi người đều có xu hướng để ISO tự động, máy ảnh sẽ chọn ISO thích hợp với từng trường hợp chụp. Nhưng các máy ảnh đều cho phép người dùng lựa chọn ISO theo ý riêng của mình.

Khẩu độ

Đây cũng là một trong những thông số quan trọng của máy ảnh. Khẩu độ là độ mở của các lá khẩu tích hợp bên trong ống kính, giống như chiếc van để điều chỉnh ánh sáng đi vào cảm biến và quyết định đến độ sâu trường ảnh. Khẩu độ mở được biểu diễn bằng giá trị f/ – hay F-stop trong tiếng Anh. Giá trị f/ càng nhỏ thì khẩu độ mở càng lớn. Khi khẩu độ được mở rộng, nó sẽ cô lập nền trước với nền sau làm cho đối tượng ở nền trước trở nên sắc nét và đối tượng ở nền sau bị nhòe đi. Thích hợp khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, chụp chân dung, tạo hiệu ứng xóa phông, tạo hiệu ứng bokeh…

Ngược lại, khi khẩu độ nhỏ, nó sẽ làm cho tất cả đối tượng ở nền trước lẫn nền sau được sắc nét. Các trường hợp thường cần khẩu độ nhỏ như chụp trong điều kiện ánh sáng mạnh, chụp nhóm đông người, chụp phong cảnh, kiến trúc... có thể kiểm soát khẩu độ bằng cách thiết lập máy ảnh để ở chế độ "A", "AV" hoặc "M".

Chế độ bù sáng

Hầu như mọi máy ảnh trên thị trường hiện nay đều có thể điều chỉnh độ phơi sáng, kể cả những máy tự động hoàn toàn. Độ sáng của đối tượng được chụp là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ phơi sáng của ảnh. Do đó, tất cả các máy ảnh đều phải đo độ sáng của đối tượng trước khi chụp. Bù sáng được sử dụng bằng nút +/- trên máy. Đa số các máy ảnh bố trí nút này ở phía sau máy. Khi chọn nút này sẽ thấy trên màn hình hiện lên một dải vạch với số 0 ở giữa, bên trái là các giá trị -1, -2, bên phải là các giá trị +1, +2. Và dĩ nhiên là muốn chọn giảm sáng chọn "–", muốn tăng sáng chọn "+".

Cân bằng trắng

Ánh sáng xuất hiện với các màu sắc khác nhau tùy thuộc vào nguồn sáng. Ví dụ như ánh sáng từ đèn huỳnh quang có xu hướng ngả xanh trong khi ánh sáng từ bóng đèn tròn có xu hướng đỏ hoặc cam. Vì thế, cân bằng trắng sẽ khắc phục tác động của màu ánh sáng đối với ảnh, giúp màu sắc của hình ảnh chính xác nhất có thể.

Các máy ảnh mặc định được chỉnh về giá trị Cân bằng trắng tự động (AWB). Ở chế độ này, máy ảnh sẽ phân tích hình ảnh và định ra cân bằng trắng tốt nhất dựa theo thuật toán có sẵn.

Các tùy chỉnh cân bằng trắng còn lại được sắp xếp theo thứ tự nhiệt độ màu tăng dần như: ngoài trời, trời có mây, mưa, mù, đèn dây tóc Đèn huỳnh quang, đèn flash và chỉnh WB bằng nhiệt độ màu (K).

Chế độ lấy nét

Lấy nét tự động là tính năng tự động lấy nét chủ thể của máy ảnh. Hầu hết các loại máy ảnh kỹ thuật số thông thường đều có tính năng này. Có nhiều phương pháp lấy nét tự động khác nhau và mỗi mẫu máy ảnh có phương pháp lấy nét tự động sẵn dùng khác nhau, phù hợp với từng chủ thể hay cảnh chụp. Bên cạnh đó là chế độ lấy nét bằng tay. Tính năng này cho phép người chụp chỉnh điểm lấy nét bằng tay thay vì để máy tự động lấy nét bằng cách xoay vòng lấy nét trên ống kính.. Mặc dù đối với máy ảnh kỹ thuật số, tính năng AF phổ biến hơn MF nhưng tính năng này lại hiệu quả hơn trong trường hợp việc lấy nét tự động gặp khó khăn, chẳng hạn như khi chụp cận cảnh.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang