Ninh Thuận liên tiếp phát hiện thu giữ số lượng lớn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc

author 16:45 10/06/2025

(VietQ.vn) - Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Kế hoạch 07/KH-QLTT ngày 23/5/2025 của Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận về thực hiện cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra từ ngày 15/5 đến 4/6/2025. Kết quả, 19 vụ việc đã được kiểm tra, trong đó phát hiện 7 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 175 triệu đồng.

Lực lượng chức năng làm việc tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Ninh Thuận

Đơn cử, tại thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, Đội Quản lý thị trường số 4, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh online qua các kênh Zalo, Facebook mang tên Shop D.M, do bà Ng.T.D.M làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 950 sản phẩm quần áo các loại không có hóa đơn chứng từ, không có thông tin về xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ số hàng đã bị lập biên bản, niêm phong và tạm giữ để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tiếp đó, ngày 27/5, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.N.L tại địa chỉ đường Ngô Gia Tự, phường Kinh Dinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 49 túi xách mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Hermès, Burberry, Dior, Celine, BVLGARI… có dấu hiệu giả mạo, với tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết là gần 90 triệu đồng. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lô hàng đã được tạm giữ để phục vụ công tác xác minh, xử lý.

Theo các chuyên gia, để đối phó với hàng giả ngày càng tinh vi, công nghệ truy xuất nguồn gốc đang trở thành công cụ không thể thiếu. Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV), khẳng định việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ uy tín, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng căn cứ xác thực khi lựa chọn hàng hóa.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, nếu sử dụng bên thứ ba để cung cấp thông tin thì đơn vị đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc siết chặt quản lý và chống gian lận thương mại.

Từ góc độ chuyên môn, đại diện Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC) cho biết đang phát triển hai ứng dụng NBC-Trace và Verify, hỗ trợ doanh nghiệp xác thực thông tin khi đăng ký mã số hàng hóa và cập nhật lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Điều này tạo nền tảng minh bạch, giúp cơ quan quản lý kiểm tra hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương cho rằng, việc xây dựng hệ thống quốc gia về truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cấp thiết. Khi sản phẩm được gắn mã QR, việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh tính xác thực sẽ trở nên nhanh chóng, chính xác hơn. Đồng thời, việc này sẽ buộc các nhà sản xuất, kinh doanh và cả người vận chuyển phải nâng cao trách nhiệm, minh bạch thông tin, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang