Nở rộ mô hình “nông trại điện thoại” được coi là bất hợp pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới

author 06:07 26/08/2023

(VietQ.vn) - “Nông trại điện thoại” (Phone Farm) lợi dụng cơ chế đề xuất của các nền tảng mạng xã hội, đó là nếu có nhiều tương tác cho một nội dung thì nền tảng sẽ phổ biến nội dung đó rộng rãi hơn đến người dùng. Vì vậy, nếu như nó bị lợi dụng cho mục đích xấu như lan truyền tin giả hay các nội dung bôi nhọ, xấu độc, thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng.

Một nghịch lý từng xảy ra tại Trung Quốc, nơi có thị trường smartphone lớn nhất thế giới và cũng được xem là nơi "nông trại điện thoại", hay còn gọi là Phone Farm, phát triển mạnh nhất. Đó là vào năm 2017, có hai chương trình truyền hình của nước này ghi nhận hơn 1 tỷ lượt xem trực tuyến trong một ngày, trong khi số người dùng mạng Internet của Trung Quốc khi đó mới chỉ chạm con số 750 triệu. Đài CCTV của nước này từng khẳng định, 90% số lượt xem của một số chương trình nổi tiếng trên các kênh video của Trung Quốc là giả. Về cơ bản, Phone Farm là hệ thống gồm hàng loạt những chiếc điện thoại cũ. Chỉ cần cài một ứng dụng duy nhất, tất cả điện thoại sẽ nhận lệnh điều khiển giống hệt nhau: đọc thông báo, kết bạn, tương tác, xem video, tham gia nhóm... thậm chí cả những thủ thuật phức tạp như đổi mật khẩu.

Nếu như Phone Farm bị lợi dụng cho mục đích xấu như lan truyền tin giả hay các nội dung bôi nhọ, xấu độc, thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng. Ảnh minh họa

Phone Farm rất phổ biến tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines... Tại Ấn Độ, các chuyên gia công nghệ thông tin làm thêm trong lĩnh vực này có thể kiếm được số tiền tương đương 1 tháng lương chỉ trong 3 ngày. Tại Mỹ, hai nền tảng truyền thông phổ biến nhất là Facebook và Google cũng phải lên kế hoạch hoàn tiền cho các nhà quảng cáo vì vấn nạn này, từ khoảng 7 - 10% số tiền mà họ đã bỏ ra. Tại Trung Quốc, Phone Farm được coi là vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2017, cảnh sát Thái Lan đã triệt phá mạng lưới "Click Farm" và tịch thu hàng nghìn điện thoại thông minh. Các cáo buộc của cảnh sát liên quan đến việc buôn lậu điện thoại và sử dụng SIM không đăng ký hợp pháp.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam, dịch vụ PhoneFarm được quảng cáo công khai, với các tính năng như tăng tương tác, giúp gia tăng đơn hàng, giúp người kinh doanh bán được nhiều sản phẩm hơn. Một số hệ thống còn tích hợp dàn nút bấm để chơi các trò chơi trúng thưởng trên mạng xã hội. Mô hình này hiện còn được cải tiến thành những chiếc hộp nhỏ gọn hơn, điện thoại cũng gỡ bỏ một số bộ phận như pin, vỏ máy để nhằm tối ưu hóa hoạt động.

Dịch vụ tương tác ảo nhiều lần bị Facebook siết vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Trong khi đó, điều khoản của các nền tảng như YouTube, TikTok cũng cấm sử dụng công cụ tự động để tăng lượt xem và bình luận. Vì thế, những hệ thống như thế này cũng luôn phải chịu rủi ro khi bị các nền tảng truy quét. Về bản chất, Phone Farm lợi dụng cơ chế đề xuất của các nền tảng mạng xã hội, đó là nếu có nhiều tương tác cho một nội dung thì nền tảng sẽ phổ biến nội dung đó rộng rãi hơn đến người dùng. Vì vậy, nếu như nó bị lợi dụng cho mục đích xấu như lan truyền tin giả hay các nội dung bôi nhọ, xấu độc, thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, hiện chưa có chế tài để quản lý dịch vụ nông trại điện thoại nên tính pháp lý của dịch vụ này vẫn đang để ngỏ. Tuy nhiên, bản thân các nền tảng mạng xã hội cũng luôn tìm cách để hạn chế những lượt xem ảo, tương tác ảo từ những nông trại điện thoại này. Mọi chiêu trò gian lận đều không mang lại kết quả bền vững.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang