Nước sinh hoạt nghi nhiễm asen tại Tân Tây Đô: Cục Quản lý môi trường y tế ra công văn 'khẩn'

author 07:51 16/11/2017

(VietQ.vn) - Trong khi đại diện Công ty CP đầu tư Hải Phát phủ nhận việc nước sinh hoạt tại Khu đô thị mới Tân Tây Đô có hàm lượng asen vượt chuẩn thì Cục Quản lý môi trường y tế vừa có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Hà Nội làm rõ phản ánh của cư dân.

Nhiều ngày qua, dư luận xã hội đang hết sức quan tâm đến vụ việc cư dân các tòa nhà: CT2A, CT2B, HHB tại Khu đô thị mới (KĐT) Tân Tây Đô (Đan Phượng-Hà Nội) phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt được Chủ đầu tư Công ty CP đầu tư Hải Phát (trụ sở tại Hà Đông - Hà Nội) mua buôn từ Công ty CP Đầu tư Công nghệ môi trường Việt Nam để bán lại cho người dân gần 4 năm qua bị nhiễm asen nặng.

Sau những phản ánh của người dân, vào ngày 9/11, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại nhà máy nước của Công ty CP Đầu tư Công nghệ môi trường Việt Nam. Khi kiểm tra trạm cấp nước, đoàn kiểm tra phát hiện mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ. Một số vật liệu để ngoài trời sắp xếp chưa gọn. Ngoài ra, kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành còn Phèn dắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Một điều đáng chú ý là dù đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất và số hóa chất này đa số được đựng trong thùng sắt?!.

Tiếp đó, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành lấy mẫu nước thành phẩm tại trạm cấp nước Tân Tây Đô, để xét nghiệm chỉ tiêu giám sát mức độ A (15 chỉ tiêu) và 2 chỉ tiêu Asen, Amoni. 

Trao đổi với báo chí, ông Khổng Minh Tuấn - PGĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho hay, tại khu vực tiến hành kiểm tra, nguồn nước không được ổn định và có một vài thời điểm chỉ tiêu về Asen đã từng tăng lên. Theo ông Tuấn, việc xét nghiệm mẫu nước phải mất 1 tuần mới có kết quả và lúc đó đơn sẽ cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

Theo thông tin mà PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) thu thập được, vào tháng 9/2017, Ban Quản lý toà nhà Tân Tây Đô thuộc Công ty CP dịch vụ đô thị Hải Phát PSP đã gửi mẫu nước đi thử nghiệm tại cơ quan có thẩm quyền. Tới ngày 3/10, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã công bố kết quả thử nghiệm mẫu nước lấy tại căn hộ 2414 - chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29/9/2017).

Kết quả thử nghiệm mẫu nước ở một căn hộ thuộc KĐT Tân Tây Đô. 

Kết quả cho thấy rõ, hàm lượng Asen trong mẫu nước đã xét nghiệm là 0,03 mg/L. Như vậy, hàm lượng Asen này đã vượt “chuẩn” nước sinh hoạt theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế là 3 lần.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thoán - Phó trưởng phòng Marketing truyền thông, Công ty CP Đầu tư Hải Phát lại cho rằng, kết quả xét nghiệm nước tại căn hộ 2414- chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29/9/2017) do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đưa ra cho thấy nước vẫn an toàn và ở mức cho phép theo QCVN 02: 2009 của Bộ Y tế.

Theo ông Thoán, chất lượng mẫu nước tại khu Tân Tây Đô được xét áp dụng theo QCVN 02: 2009 của Bộ Y tế. Như vậy, kết quả nước có hàm lượng asen là 0,03 mg/L (theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL) vẫn an toàn (so với mức 0,05 mg/L tại QCVN 02:2009 của Bộ Y tế).

Nói về vấn đề trên, Luật sư Đỗ Bá Dương (Công ty Luật TNHH Khoa Tín) cho rằng, giải thích của đại diện Công ty CP đầu tư Hải Phát là chưa chính xác bởi ở phần ghi chú của QCVN 02: 2009 về chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế có nêu rõ mức giới hạn tối đa cho phép I áp dụng đối với các cơ sở cung cấp nước. Trong khi đó, mức giới hạn tối đa cho phép II áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình (các hình thức cấp nước bằng đường ống chỉ qua xử lý đơn giản như giếng khoan, giếng đào, bể mưa, máng lần, đường ống tự chảy).  

Theo Luật sư Dương, việc xác định chất lượng nước tại KĐT Tân Tây Đô phải áp dụng theo giới hạn cho phép I dành cho nhà máy nước (yêu cầu bắt buộc đối với chất lượng nước là hàm lượng asen chỉ được nhỏ hơn hoặc tối đa bằng 0,01 mg/L).

Thêm vào đó, theo tài liệu báo cáo của Công ty CP Đầu tư Công nghệ môi trường Việt Nam (báo cáo liên ngành kiểm tra do Sở tài chính dẫn đầu ngày 2/11/2017) về định mức tiêu hao vật tư phục vụ sản xuất nước sạch đã tính mức vật tư cho nhà máy nước với công suất thiết kế 1200 m3/ngày đêm. Như vậy, công suất của nhà máy cũng thuộc quy định tại QCVN 01:2009.

Cục Quản lý môi trường y tế ra công văn "khẩn"

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đưa tin, đại diện cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại Tòa nhà chung cư HHB - khu đô thị Tân Tây Đô, BQT chung cư HHB đã làm công văn gửi đến hàng loạt đơn vị trong đó có Cục quản lý môi trường – Bộ y tế; Sở y tế Hà Nội; Sở khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội; Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội... đề nghị “xem xét chất lượng nước nhiễm asen và việc sử dụng hóa chất để sản xuất nước”.

Tới ngày 10/11, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra tình hình nhiễm asen trong nước ăn uống, sinh hoạt.

Công văn khẩn của Cục Quản lý môi trường y tế. 

Nội dung công văn nêu rõ: Ngày 9/11/2017, Cục Quản lý môi trường y tế nhận được công văn số 05/BQT HHB đề ngày 3/11/2017 của Ban quản trị nhà chung cư HHB, KĐT Tân Tây Đô, phản ánh chất lượng nguồn nước sạch cung cấp cho người dân tại KĐT Tân Tây Đô có hàm lượng asen cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Để bảo vệ sức khỏe người dân, Cục Quản lý môi trường y tế kính đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo làm rõ các nội dung sau:

Kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, trong đó có chỉ tiêu asen tại KĐT Tân Tây Đô; Rà soát, đánh giá tình hình nhiễm asen trong nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Nếu có tình hình ô nhiễm asen trong nước ăn uống, sinh hoạt tại KĐT Tân Tây Đô và trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan có các biện pháp giải quyết dứt điểm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc khắc phục ô nhiễm asen trong nước ăn uống, sinh hoạt; Báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trước ngày 25/11 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước, gồm (1) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT (2) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT.

QCVN 01:2009/BYT được áp dụng đối với các cơ sở cấp nước ăn uống, nước sinh hoạt có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên, gồm 109 chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu asen với giới hạn tối đa cho phép là 0,01 mg/L. Nước cấp khi đạt 109 chỉ tiêu của QCVN 01:2009/BYT có thể uống trực tiếp tại vòi.

QCVN 02:2009/BYT được áp dụng đối với các cơ sở cấp nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt có công suất dưới 1.000m3/ngày đêm và cấp nước hộ gia đình do gia đình tự khai thác (giếng khoan, giếng đào…), gồm 14 chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu asen với giới hạn tối đa cho phép là 0,01 mg/L đối với cơ sở cấp nước tập trung và 0,05 mg/L đối với nước hộ gia đình tự khai thác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo.

Bảo Bình - Hồng Anh

Khu đô thị Tân Tây Đô: Nước sinh hoạt nghi nhiễm asen nặng, người dân gửi thư 'kêu cứu'(VietQ.vn) - Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu để xác định chất lượng nước sinh hoạt tại khu đô thị Tân Tây Đô.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang