Ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Thách thức và con đường hướng tới kinh tế tuần hoàn

(VietQ.vn) - Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và đô thị hóa, cùng với thay đổi lối sống hiện đại, đã kéo theo một cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng tại Việt Nam.
Cảnh báo tiếp xúc ngắn với ô nhiễm không khí cũng làm giảm khả năng tập trung
Những loại thực phẩm vẫn ăn hàng ngày nhưng nhiễm nhiều hạt vi nhựa nhất
Biến đổi khí hậu khiến chuột gia tăng ở các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Canada cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella, thu hồi nhiều nhãn hiệu trứng gà
Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông
Bối cảnh và quy mô khủng hoảng ô nhiễm nhựa
Theo hai báo cáo của Ngân hàng Thế giới “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” và “Hướng tới một lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam”, các chuyên gia đã chỉ ra rằng chất thải nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần, chiếm phần lớn trong khối lượng rác thải, đe dọa nghiêm trọng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cùng với thay đổi lối sống ở Việt Nam đã tạo nên một nhu cầu tiêu thụ khổng lồ đối với các sản phẩm nhựa. Theo báo cáo “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB), trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực địa các khu vực ven sông và ven biển. Kết quả cho thấy chất thải nhựa chiếm tới 94% số lượng và 71% trọng lượng của tổng số chất thải thu gom được. Trong đó, các sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) chiếm 62% tổng lượng chất thải nhựa về số lượng. Túi nhựa, mảnh vỡ từ túi, hộp đựng thức ăn bằng xốp và ống hút được xác định là những loại SUP phổ biến nhất trong môi trường.
Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn từ ô nhiễm nhựa do sự bùng nổ kinh tế và đô thị hóa. Ảnh minh họa
Ước tính Việt Nam thải ra khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa trên đất liền, trong đó ít nhất 10% số lượng này đổ ra đại dương mỗi năm. Theo Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam, nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải như hiện nay không được cải thiện, lượng nhựa rò rỉ ra sông và biển có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Ô nhiễm nhựa không chỉ làm suy giảm chất lượng môi trường mà còn gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Theo nhận định của ông Đào Xuân Lại - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNPD tại Việt Nam: “Nếu chúng ta không hành động nhanh, thì đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ tương đương với lượng cá trong đại dương, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường và nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, WB đánh giá rằng với tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế chỉ chiếm khoảng ⅓ lượng rác thải thải ra môi trường, nền kinh tế Việt Nam đang lãng phí khoảng 75% giá trị vật liệu tiềm tàng từ việc tái chế – tương đương với 2,2 đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Chính sách và tiêu chuẩn trong việc kiểm soát ô nhiễm nhựa
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm kiểm soát nguồn gốc, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Luật Bảo vệ Môi trường 2020, thông qua Điều 73, quy định rằng các tổ chức và cá nhân phải hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại và xử lý chất thải nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ thiết lập lộ trình giảm dần sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm SUP; từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước dưới 50 cm x 50 cm, và sau ngày 31/12/2030, dừng hoàn toàn sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần (trừ trường hợp có chứng nhận nhãn sinh thái). Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định các mức xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực môi trường, giúp thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng và tăng cường công tác giám sát.
Song song với các văn bản pháp luật, Việt Nam còn áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nhựa. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT dành cho phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hướng dẫn các doanh nghiệp phân loại, làm sạch và kiểm soát chất lượng phế liệu nhựa, qua đó tăng cường tỷ lệ tái chế và giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường), ISO 15270:2008 (hướng dẫn thu hồi và tái chế chất dẻo phế thải) và ISO 14021 (nhãn môi trường tự công bố) đã tạo ra một khuôn khổ toàn diện, giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý áp dụng những “thực hành tốt” trong quản lý rác thải nhựa.
Trước bối cảnh đó, Việt Nam đang chuyển mình hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến, thúc đẩy sản xuất nhựa sinh học và nâng cao nhận thức cộng đồng là những giải pháp thiết yếu. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn nhằm biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên quý giá, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các cơ chế thuế và phí đối với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, cùng với chính sách xử phạt nghiêm khắc, sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển sang sản xuất các sản phẩm bền vững.
Nếu hành động đồng bộ và kịp thời được thực hiện, Việt Nam không chỉ có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa mà còn khai thác được giá trị kinh tế tiềm ẩn từ chất thải nhựa, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.
Duy Trinh (t/h)