Phải làm sao khi giáo viên trừng phạt học sinh như thời Trung cổ?

author 08:50 03/03/2016

(VietQ.vn) - Rất nhiều kiểu trừng phạt cúa giáo viên trong lúc nóng giận, mất bình tĩnh đã vô tình để lại những hậu quả xấu cho nhận thức còn non nớt của các em.

Trong khi dư luận chưa hết ám ảnh với những vụ việc giáo viên dùng thước đánh học sinh lớp 2 dồn dập và tát học sinh ngay trên bục giảng thì ngày 22/2, tại Trường THCS Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nhiều học sinh phải chứng kiến cảnh thầy Đoàn Văn Học (dạy môn Vật Lý) đánh em Đỗ Lân Anh đến mức “bị choáng và ngồi sụp xuống đất", tuy nhiên thầy Học vẫn tiếp tục đánh vào lưng và cánh tay em Anh.

Kết quả phút nóng giận của thầy Học đã khiến em Đỗ Lân Anh phải nhập viện trong tâm lý bất ổn bởi bị đánh rạn xương, vỡ mỏm xương khuỷu tay.

Trước thực trạng nhiều giáo viên thiếu kĩ năng làm thầy như trên, Chất lượng Việt Nam online đã có buổi trò chuyện với chuyên gia Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam (giảng viên Đại học Giáo dục - ĐHQG HN) về hiện tượng này.

tran-thanh-nam

Chuyên gia Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam

PV: Thưa ông, hiện nay rất nhiều kiểu trừng phạt của giáo viên trong lúc nóng giận, mất bình tĩnh đã vô tình gây tổn thương về nhận thức và tâm lý cho học sinh. Bản thân ông là một giảng viên trẻ, đã khi nào ông mất bình tĩnh mà đánh học sinh chưa?

Tại điểm sôi của cảm xúc, mỗi người có 1 cách hành xử khác nhau. Với những người tức giận quá mà không có kĩ năng kiểm soát cảm xúc thì họ sẽ hành động theo cách thức nào theo thói quen mà họ thường xuyên làm. Người có thói quen luôn cáu giận, thể hiện cảm xúc qua hành vi thì có nguy cơ có những hành vi khó kiểm soát được.

Còn những người trong cuộc sống hàng ngày đã tự rèn luyện 1 cách thức, phản ứng thì có thể tiết chế chuyển sang một dạng khác. Ví dụ như họ sẽ suy nghĩ hành động đó trong tưởng tượng và lường được hậu quả đằng sau nó. Họ sẽ chỉ giải tỏa bằng cách trừng phạt người gây cho họ sự tức giận trong tưởng tượng.

Và tôi là thường dùng cách trừng phạt trong tưởng tượng chứ không đánh học sinh.

PV: Vậy lúc mất bình tĩnh nhất trước học sinh, ông sẽ xử lý như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, vì tôi học tâm lý nên tôi thường giải quyết mọi sự việc trong tưởng tượng nhiều hơn. Đây là 1 cách thức. Còn một cách thức hiệu quả hơn mà tôi đã làm hiệu quả được là mình nên tập trung vào bản chất vấn đề là gì?  

Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ rằng, bản chất hành động của học sinh là xấu hoặc hành vi đó có chủ định gây ra cho mình mà tôi thường tìm hiểu xem mục tiêu ẩn sau hành động đó là gì? Liệu có phải học sinh cảm thấy thầy giáo không công bằng hoặc đơn giản chúng muốn gây chú ý của thầy cô…

Mình nên suy nghĩ nguyên nhân phía sau hành vi ấy và từ đó sẽ có thể kiềm chế được ứng xử vượt quá giới hạn của mình.

Hãy nghĩ bản chất đứa trẻ không phải xấu xa, ác ý và bình tĩnh cân nhắc trước khi hành động mình sẽ kiểm soát được cảm xúc hiệu quả.

PV: Theo ông, với một thầy giáo đánh học sinh đến mức chấn thương, tâm lý bất ổn còn tư cách đứng trên bục giảng không? 

Về mặt con người, tôi rất cảm thông với người giáo viên có hành vi như thầy Đoàn Văn Học, vì thầy này chỉ thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc thôi.

Nhưng xét về tiêu chí của nhà giáo, vì tôi cũng đi học ở nước ngoài về nên cá nhân tôi thấy khó chấp nhận người giáo viên mà không có kĩ năng kiểm soát cảm xúc của mình. Vì đã đứng trên bục giảng là đại diện cho cả một nhóm người, không phải là cá nhân.

Tôi nói, cá nhân rất thông cảm vì giáo viên có thể đang gặp chuyện bất hạnh hoặc gánh áp lực nặng trong cuộc sống hoặc hình vi của học trò ngoài tầm tưởng tượng của thầy, hoặc đây là tình huống sư phạm đầu tiên mà thầy gặp nên chưa có kinh nghiệm xử lý.

Tuy nhiên, đã là giáo viên đứng trên bục giảng thì phải có kĩ năng làm thầy vì việc xử lý tình huống sư phạm luôn được đào tạo cùng chuyên môn giảng dạy. Về mặt lý thuyết hay thực hành, tôi khẳng định là giáo viên thì phải được đào tạo kĩ năng này. Vì vậy rất khó chấp nhận một giáo viên thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc.

PV: Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, theo ông tâm lý 1 học sinh sau khi bị giáo viên đánh sẽ thế nào?

Nó giống như 1 vụ chấn thương tâm lý, nó nguy hiểm hơn việc xâm hại về mặt thể xác. Tại vì sao?

Bản thân tôi cũng không muốn nói về chuyện này, bởi chính truyền thông cũng đưa tin nhiều về sự việc, không cần biết là đứng trên phương diện của thầy hay trò nhưng việc đưa tin đã khiến thầy trò ảnh hưởng về mặt tinh thần nhiều hơn.

Tức là, học sinh vô tình trở thành tâm điểm của một sự kiện xã hội mà nó không muốn, vô hình chung là sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học trò.

PV:  Vậy chúng ta nên giải quyết sự cố đáng tiếc này như thể nào để học sinh tiếp tục có niềm tin vào thầy cô và nhà trường?

Sự việc đã xảy ra trong quá khứ rồi, không có gì có thể thay đổi được nữa. Điều quan trọng ở đây là cách thức xử lý sau sự cố này như thế nào?

Về bản thân giáo viên gây ra sự cố, thầy cô đó nên có buổi nói chuyện trực tiếp và chân thành với trò để giải thích về hành vi của mình. Như  lúc đó tôi nghĩ thế nào? Mục đích của hành vi của tôi là như nào?

Nếu học sinh vẫn có suy nghĩ thầy thù địch, trừng phạt học sinh thì cần phải đả thông ngay. Cụ thể như, cần khẳng định rằng đó không phải là hành vi cố ý gây tổn thương mà chỉ muốn trò ý thức được hành vi sai trái của mình và rút kinh nghiệm, không tái phạm lần sau.

Ngoài ra các đại diện tổ chức khác cũng cần phải gặp riêng để chia sẻ cho học sinh hiểu. Đó là hành vi bộc phát dồn nén cảm xúc của cá nhân, không mang tính chất đại diện cho cả nhóm, tập thể thầy cô. Vì vậy, học sinh không nên đánh đồng và mất niềm tin vào tập thể nhà giáo.

Bên cạnh đó, cần sẵn sàng hỗ trợ, tạo kênh liên lạc để kịp thời nhận phản hồi của học sinh nhằm điều chỉnh mối quan hệ với thầy cô với học trò.

PV:  Để tránh những việc đáng tiếc xảy ra, thầy có lời khuyên nào cho giáo viên trong việc quản lý học sinh cá biệt ở tuổi vị thành niên?.

Đây là 1 thực trạng, cần có các giải pháp tầm vĩ mô.

Thứ nhất, việc rèn luyện xử lý tình huống xử lý, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cần nhấn mạnh hơn nữa trong đào tạo giáo viên nhà trường.

Thứ hai, bản thân giáo viên đang giảng dạy, cần thay đổi quan niệm trừng phạt kỉ luật học sinh trong nhà trường. Bấy lâu, cách trừng phạt của giáo viên thường mang tính tiêu cực. Họ cho rằng đánh, mắng, sỉ nhục học sinh là làm chúng sợ hãi, xấu hổ, “không còn mặt mũi” nào với bạn bè. Sự thực, đây là cách trừng phạt của thời Trung Cổ.

Cách kỉ luật tích cực, “không mất mát”, “không nước mắt” hiện nay là giúp học sinh hiểu hệ quả của những hành động sai trái của mình? Đó là làm thầy cô buồn, thất vọng, là tách biệt mình ra khỏi bạn bè, hoạt động chung, là phải làm những nhiệm vụ mà mình không muốn như: dọn vệ sinh, lao động công ích… Cách kỉ luật như vậy sẽ nhân văn và tích cực hơn!

Thứ ba, ở những điểm sôi của cảm xúc, đa phần giáo viên đều có 1 suy nghĩ sai lầm quy chụp rằng "đứa này láo", "muốn làm mất mặt mình". Đây chính là suy nghĩ gây ra những hành động cáu giận của giáo viên. Với kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các thầy cô đừng vội phản ứng mà hãy suy xét xem nguyên nhân ẩn sau hành vi của học sinh là gì? Chỉ cần tìm được lí do sau cùng, ắt giáo viên sẽ cách hành xử phù hợp.

Thứ tư, ý thức được thực trạng như vậy, bản thân giáo viên trong cuộc sống hàng ngày hãy tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất, nhân cách của mình. Đứng trước những tình huống sợ hãi, mình sẽ nghĩ xem có những cách thức nào vượt qua điểm sôi của cảm xúc. Ví dụ như tập trung vào hơi thở…

Vậy đó, kĩ năng làm thầy khó cũng cực khó, mà dễ cũng cực dễ. Tôi tin rằng giáo viên có kĩ năng kiểm soát cảm xúc tốt khi đứng trên bục giảng sẽ không còn những chuyện buồn thầy đánh trò đến phải nhập viện nữa!

PV : Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Thanh Yến


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang