Phát hiện cơ sở nghi sản xuất phân bón giả quy mô lớn tại Đồng Nai

author 07:02 25/05/2025

(VietQ.vn) - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ P.T.T (địa chỉ tổ 3, ấp 9/4, xã Hưng Lộc) có dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả cùng nhiều loại sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Cuộc kiểm tra bất ngờ tại khu vực nhà xưởng rộng hơn 1.000 m² cho thấy có 4 công nhân đang hoạt động sản xuất. Lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn hóa chất dùng làm nguyên liệu, công cụ và phương tiện sản xuất cùng hàng nghìn kg sản phẩm thành phẩm.

Ông La Giang Đ. (sinh năm 1990, quê thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - Giám đốc công ty khai nhận doanh nghiệp bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2025 nhưng không có giấy phép sản xuất phân bón theo quy định. Công ty nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và một số nguồn trong nước, sau đó đặt bao bì giả trên mạng xã hội, pha trộn, đóng gói và phân phối ra thị trường tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 6.000 kg thành phẩm, 13.375 kg nguyên liệu, cùng các thiết bị sản xuất như máy trộn bê tông, máy may bao, máy ép nhiệt và máy tính. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương điều tra, làm rõ.

Số phân bón có dấu hiệu làm giả bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Phân bón là yếu tố thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng đang trở thành mối nguy lớn, âm thầm tàn phá ruộng đồng, đẩy người nông dân vào cảnh trắng tay.

Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm cả nước phát hiện hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến sản xuất và kinh doanh phân bón giả. Nhiều doanh nghiệp lén lút pha trộn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu uy tín, bán ra thị trường với giá rẻ nhằm thu lợi bất chính.

TS. Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia thổ nhưỡng và dinh dưỡng cây trồng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cảnh báo: “Phân bón giả không chỉ không cung cấp dinh dưỡng cho cây, mà còn gây rối loạn sinh trưởng, khiến cây chết yểu, thối rễ hoặc mất khả năng đậu trái. Điều đáng lo ngại hơn là các hóa chất độc hại trong phân giả có thể tồn lưu lâu dài trong đất và nước".

Cũng theo TS. Dũng, hậu quả không dừng ở cây trồng. Sử dụng phân bón giả liên tục khiến đất bị chai cứng, giảm độ phì nhiêu, gây ra suy thoái môi trường đất, mất cân bằng hệ vi sinh vật. Đất bạc màu buộc nông dân phải tăng liều lượng phân bón, tạo ra vòng luẩn quẩn về chi phí và năng suất.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, phân bón giả còn đe dọa đến sức khỏe con người. Một số loại chứa kim loại nặng như chì, cadimi, asen... có thể ngấm vào nguồn nước, tích tụ trong nông sản và đi vào chuỗi thực phẩm. “Người tiêu dùng ăn phải rau quả có tồn dư chất độc sẽ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết, thậm chí ung thư", TS. Dũng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nạn phân bón giả làm xói mòn lòng tin của nông dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ bao bì, tem nhãn, mã QR và mua phân bón tại các cơ sở uy tín. Cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của phân bón giả.

Theo quy định hiện hành, mọi loại phân bón lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải đáp ứng các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được công bố hoặc đăng ký. Hệ thống TCVN về phân bón được xây dựng theo từng loại, bao gồm phân vô cơ, hữu cơ và vi sinh, với yêu cầu cụ thể về thành phần dinh dưỡng, hàm lượng kim loại nặng, phương pháp thử và cách ghi nhãn.

Một số tiêu chuẩn nổi bật gồm: TCVN 5815:2001 – Phân đạm urê: yêu cầu về độ ẩm, hàm lượng nitơ tổng số…; TCVN 10784:2015 – Phân hữu cơ: quy định về tỷ lệ hữu cơ, pH, kim loại nặng; TCVN 12507:2018 – Phân hữu cơ vi sinh: yêu cầu kỹ thuật với mật độ vi sinh vật hữu ích; TCVN 12510:2018 – Phân bón – Phương pháp lấy mẫu: bảo đảm tính đại diện trong kiểm tra chất lượng; TCVN 12508:2018 – Ghi nhãn phân bón: thông tin bắt buộc phải thể hiện rõ ràng trên bao bì như thành phần, khối lượng, ngày sản xuất, mã số công bố hợp quy, cảnh báo sử dụng…

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang