Phát hiện cơ sở tái chế dầu nhớt, những hệ lụy cho sức khỏe và môi trường

author 13:20 08/04/2022

(VietQ.vn) - Công an Ninh Bình vừa phát hiện và bắt quả tang cơ sở tái chế dầu nhớt đã qua sử dụng trái phép.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia dẫn nguồn thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình, Công an thành phố Tam Điệp cho biết, qua công tác trinh sát nắm tình hình tại khu vực chân núi thôn Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, Công an thành phố Tam Điệp phát hiện, bắt quả tang cơ sở thu gom dầu nhớt đã qua sử dụng.

Qua điều tra ban đầu, lực lượng công an cho biết cơ sở này do Trần Văn Đức, sinh năm 1988 trú tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở đang có khoảng 20.000 lít dầu nhớt đã qua tái chế và khoảng 18.0000 lít dầu nhớt chưa qua tái chế, chứa trong các bể chứa, bồn nhựa, bồn kim loại, téc.

 Nguy cơ từ dầu nhớt tái chế cần phải xử lý nghiêm. Ảnh: D.Hưng

Khai nhận ban đầu với lực lượng chức năng, Trần Văn Đức cho biết đã thu mua dầu thải tại các cơ sở sửa chữa xe máy, ô tô trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Nam Định về trưng cất lấy dầu bán kiếm lời, Trần Văn Đức không xuất trình được giấy phép hoạt động tái chế chất thải.

Theo lực lượng chức năng, dầu nhớt thải hiện nay sở dĩ vẫn được mua bán trái phép bởi nó là một mặt hàng có giá trị sau khi tái chế.

Điều đáng bàn, các phương thức tái chế dầu nhớt thải theo công nghệ Trung Quốc hay bắt chước công nghệ Trung Quốc khá thô sơ. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là đốt để tích cặn và lấy dầu bay hơi.

Với quy trình chỉ mất 20 phút, "công nghệ" này có thể biến dầu nhớt thải để trở thành dầu tái chế và được đóng chai giả mạo các thương hiệu dầu nhớt lớn và tung ra thị trường.

Theo các nhà sản xuất dầu nhớt, mắt thường không phân biệt được chất lượng các loại dầu nhớt tái chế này vì chúng không khác gì về hình thức so với dầu nhớt gốc nhưng chất lượng thì kém xa. Khi sử dụng các loại dầu nhớt tái chế kiểu này gây hại rất lớn cho động cơ, máy móc bởi tính bôi trơn thấp hơn, gây giảm tuổi thọ động cơ.

Ngoài ra, nếu dầu nhớt thải bị đổ ra môi trường hay đốt nóng không có quy trình chặt chẽ về môi trường thì lượng kim loại trong dầu nhớt có thể phát tán gây ra những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường song và sức khỏe con người thông qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trên bề mặt da.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nếu các cơ sở không đủ kỹ thuật xử lý tái chế dầu nhớt thải thì khi dùng dầu thải tái chế, đốt thành nhiên liệu sẽ khiến nhiều độc chất bay ra không khí, tan vào gió hoặc khuyếch tán qua mưa gây hại trực tiếp lẫn gián tiếp đối với con người và môi trường. Ngoài ra, nếu dầu nhớt thải bị đổ ra môi trường thì lượng kim loại trong dầu nhớt có thể thấm vào đất, lan trong nước gây ra hiện tượng “vùng nước chết,” “vùng đất chết.”

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang