Phát hiện nhiều sai phạm tài chính ở Vinalines

author 18:51 21/05/2012

Ngoài những sai phạm trong việc đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều sai phạm về đầu tư tài chính ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả

Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, giai đoạn từ năm 2007 -2010, Vinalines đã đầu tư và góp vốn tại 158 doanh nghiệp song việc đầu tư vốn này được cho là dàn trải và hiệu quả thấp. Sai phạm tài chính ở Vinalines xảy ra liên tiếp. 
 
Theo TTCP, Công ty mẹ và 2 Công ty con cùng tham gia góp vốn để thành lập 4 Công ty liên doanh xây dựng và khai thác cảng biển với số vốn góp tính đến ngày 1/12/2010 là hơn 1,8 nghìn tỷ đồng chiếm 10% tổng vốn đầu tư dài hạn, hiệu quả kinh doanh thấp. 
 
Ông Dương Chí Dũng đang bị cảnh sát truy nã để điều tra làm rõ những sai phạm liên quan đến giai đoạn ông đang đương nhiệm ở Vinalines
Ông Dương Chí Dũng đang bị cảnh sát truy nã để điều tra làm rõ những sai phạm liên quan đến giai đoạn ông đang đương nhiệm ở Vinalines
 
"Vốn đầu tư vào Công ty CP chứng khoán thủ đô thuộc lĩnh vực chứng khoán còn vượt mức quy định 2,18%. Công ty CP đầu tư thương mại hàng hải Hải Phòng và 2 Công ty bất động sản có đầu tư xây dựng nhưng tiến độ triển khai chậm nên các đơn vị này đã dùng vốn góp của các cổ đông gửi ngân hàng thu lãi và không thực hiện chia lợi nhuận cho các cổ đông trong thời gian 3 năm. Năm 2010, Công ty CP bất động sản Vinalines đã dùng 58 tỷ đồng góp vốn vào Công ty CP khai thác đường biển Ninh Thuận. Hiện Giám đốc Công ty này bị khởi tố về hành vi lợi dụng chiếm đoạt tài sản dẫn đến vinalines có khả năng mất toàn bộ vốn góp 36,720 tỷ đồng vào doanh nghiệp này. Công ty mẹ đã không ghi nhận khoản đầu tư 15 tỷ đồng vào công ty xuất nhập khẩu vật tư đường biển và chưa đánh giá khoản tổn thất đầu tư khi chưa tiến hành xong các thủ tục phá sản công ty này", kết luận TTCP nêu rõ.
 
 
Theo kế hoạch, trong tuần này lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với Cục Hàng hải VN để phân công người phụ trách cục. Trước đó, hai thứ trưởng của Bộ Giao thông vận tải là các ông Trương Tấn Viên, Nguyễn Văn Công đã làm việc với Cục Hàng hải VN để thông báo về vụ việc liên quan tới ông Dương Chí Dũng, thông báo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Dũng, đồng thời yêu cầu cục tiến hành các hoạt động khác bình thường. Lãnh đạo Cục Hàng hải VN đã yêu cầu cán bộ, công nhân viên của cục ổn định tâm lý để tổ chức tốt công việc theo đúng nhiệm vụ được phân công (nguồn: Tuổi trẻ)
 
 
Chưa dừng lại ở những sai phạm nêu trên, TTCP còn phát hiện, từ năm 2007 – 2010, Vinalines thoái vốn tại 4 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và 1 đơn vị theo hình thức thỏa thuận giữa các cổ đông sáng lập. Ngoại trừ thoái vốn ở Công ty bất động sản Vĩnh Phúc bằng chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận, số còn lại đều thoái vốn ở những đơn vị liên doanh liên kết có hiệu quả, cổ phiếu có tính thanh khoản cao trên thị trường, chưa thoái vốn được tại các đơn vị làm ăn không hiệu quả. Việc thoái vốn không có phương án, lộ trình cụ thể biểu hiện sự bị động trong thoái vốn.
 
Bên cạnh đó, Vinalines đã cử người đại diện phần góp vốn tại các DN có vốn góp của Vinalines. Phần lớn người đại diện góp được cử là cán bộ đang công tác và giữ chức vụ nhất định trong bộ máy quản lý của DN nhà nước nên nhiệm vụ đại diện góp vốn thường thực hiện kiêm nhiệm. « số lượng các đơn vị liên doanh, liên kết của Vinalines nhiều trong cùng một thời gian, một cán bộ được phân công làm người đại diện quản lý vốn góp tại 2-3 DN cho nên người đại diện quản lý vốn khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao », TTCP phát hiện. 
 
Sử dụng không đúng nguồn vốn trái phiếu chính phủ
 
Cũng theo TTCP, ngày 5/8/2010, Vinalines đã phát hành thành công 1.000  tỷ đồng, thời gian đáo hạn năm 2013 với lãi suất năm là 14,5%/năm. Thực tế đến 9/2011, Vinalines chỉ sử dụng 560,709 tỷ đồng đúng mục đích của phương án huy động vốn. Số tiền còn lại 423,916 tỷ đồng đã được sử dụng không đúng mục đích của phương án huy động vốn trong đó dùng 249,430 tỷ đồng để góp vốn thành lập các DN mới, chi phí tòa nhà Ocean Park 8,291 tỷ đồng, chi phí văn phòng vinalines 166, 194 tỷ đồng. 
Hôm qua (20.5) một lãnh đạo của Cơ quan Interpol VN cho biết đơn vị này chưa nhận được đề nghị từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc truy nã quốc tế đối với bị can Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines). “Thông thường, khi xác định bị can đã trốn ra nước ngoài và trên cơ sở đề nghị của Cơ quan CSĐT thì chúng tôi sẽ phối hợp với Interpol quốc tế thực hiện các thủ tục để ra lệnh truy nã quốc tế”, vị lãnh đạo này cho biết. (nguồn: Thanh niên)
TTCP cho rằng, việc sử dụng nguồn trái phiếu không đúng quy định được phê duyệt thuộc trách nhiệm của Tổng giám đốc, kế toán trưởng Vinalines. 
 
Ngày 11/8/2008, theo chỉ đạo của TGĐ Vinalines – Mai Văn Phúc, chi nhánh Vinalines TPHCM đã cho Công ty CP vận tải dầu khí (Falcon) vay 1 triệu đô để trả ngân hàng về khoản Falcon vay để mua tàu Diamond Falcon. Đến ngày 31/12/2009, Falcon đã trả hết cho Vinalines số tiền gốc khoản vay này mà không trả lãi vay. "Việc công ty mẹ cho công ty CP vay sử dụng 1 triệu đô trong 14 tháng mà không tính lãi là không phù hợp với quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty".
 
Ngoài ra, TTCP cũng cho biết, trong vấn đề quản lý nợ phải thu, phải trả Vinalines cũng còn nhiều bất cập như, quản lý các khoản phải thu, trả đã được theo dõi, phân loại theo đối tượng, các khoản nợ phải thu ngắn hạn cơ bản đã được đổi chiều, xác nhận. Tuy nhiên tại Công ty mẹ vẫn còn 5 đơn vị nợ kéo dài không thu được có nguy cơ dẫn đến mất 23,062 tỷ đồng. Việc đối chiếu công nợ khoản phải trả chưa thực hiện đầy đủ còn 1 số khoản phải thanh toán cho người bán 3 năm mà vẫn chưa thanh toán. 
 
Về thu nhập doanh nghiệp, qua Thanh tra phát hiện 1 số sai phạm về hạch toán dẫn đến số tiền thuế thu nhập DN của 2 đơn vị thuộc Vinalines phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước là 8,005 tỷ đồng trong đó Công ty CP vận tải Biển Bắc phải nộp là 1,709 tỷ đồng ; Công ty TNHH MTV cảng sài gòn phải nộp là 6,296 tỷ đồng. 
 
"Vinalines thực hiện đầu tư dài hạn rất lớn, dàn trải, chủ yếu bằng vốn vay tín dụng vượt qua khả năng tài chính của đơn vị. Quá trình triển khai thực hiện chưa bám sát chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương huy động và quản lý nguồn lực phát triển để đảm bảo mục tiêu đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt "TTCP đánh giá. 
 
Với những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý bốn đầu tư ra ngoài DN của DN Nhà nước đặc biệt là quy định về quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN và xử lý trách nhiệm của người đại diện vốn để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước tại các DN. TTCP cũng yêu cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Công ty CP vận tải Biển Bắc nộp vào ngân sách Nhà nước tiền thuế thu nhập DN là 1,709 tỷ đồng và thu hồi 1,222 tỷ đồng thanh toán không đúng cho Công ty xây dựng Hàng không; Công ty TNHH MTV cảng Sài gòn nộp ngân sách nhà nước tiền thuế thu nhập DN là 6,296 tỷ đồng. 

Lưu Gia
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang