Phát hiện ô tô tải chở đường cát và thuốc lá nhập lậu tại Quảng Bình

author 06:23 13/07/2023

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có vận chuyển 170 bao thuốc lá điếu các loại không có tem thuốc lá điếu nhập khẩu theo quy định, 500 kg đường kính các loại xuất xứ từ Thái Lan có dấu hiệu nhập lậu.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Công an huyện Lệ Thủy phát hiện và tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính - xe ô tô tải BKS 73C-145.35 trong lúc xe đang dừng đổ tại khu vực xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy trên xe vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có vận chuyển 170 bao thuốc lá điếu các loại, gồm 100 bao thuốc lá điếu hiệu Jet xuất xứ từ Anh và 70 bao thuốc lá điếu hiệu Esse Change xuất xứ từ Hàn Quốc không có tem thuốc lá điếu nhập khẩu theo quy định.

Ngoài ra, trên xe còn có 500 kg đường kính các loại, gồm 300 kg đường kính trắng và 200 kg đường kính vàng xuất xứ từ Thái Lan, không có thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng, không có số tự công bố sản phẩm theo quy định.

Số hàng hóa nhập lậu bị thu giữ

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Lê Quang Bằng (trú tại Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính gần 11 triệu đồng.

Đội QLTT số 2 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ số tang vật trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Ðối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác. Cùng với đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên trang thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường kinh doanh và làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.

Liên quan tới hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang