Phát hiện và tạm giữ hơn 10 tấn sách lậu ở TP.HCM

author 06:35 11/10/2023

(VietQ.vn) - Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 10 tấn sách lậu bao gồm kinh phật, truyện dài... không có quyết định xuất bản của cơ quan có thẩm quyền đang được in tại nhà xưởng ở Củ Chi.

Mới đây, Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh kiểm tra xưởng sản xuất Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại bao bị Kiến Á tại số 643 tỉnh lộ 2, ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Theo đó, các đơn vị trên phát hiện Công ty TNHH SX DV TM bao bì Kiến Á đang có hoạt động in ấn với nhiều sai phạm tại nhà xưởng số 643 Tỉnh lộ 2, (ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi).

 Lực lượng chức năng phát hiện hơn 10 tấn sách in trái phép

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công ty đang in 3.000 bản “Kinh Trường thọ diệt tội" (ghi NXB Tôn Giáo); 9.000 bản ấn phẩm “Sherlock holmes" (ghi NXB Hội Nhà văn) với tổng số hơn 10 tấn sách bán thành phẩm đều không có quyết định xuất bản của cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 01/10, Cục An ninh chính trị nội bộ cũng đã phát hiện Công ty TNHH in ấn và Dịch vụ thương mại Siêu tốc có xưởng sản xuất tại số 43A Đào Tông Nguyên, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, cũng tổ chức in tổ chức in vượt quá số lượng hơn 3,000 bản lịch Blốc 2024 với khối lượng hơn 05 tấn bán thành phẩm.

Vụ việc được Cục An ninh chính trị nội bộ bàn giao cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông lập biên bản vi phạm, niêm phong toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định.

Theo Cục An ninh chính trị nội bộ, tình trạng in lậu, in vượt quá số lượng được cấp phép đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của những tổ chức, doanh nghiệp. 

Nhằm giảm thiểu tình trạng sách lậu đang "hoành hành" trên thị trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sách giáo khoa là xuất bản phẩm đặc biệt, được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019. Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung đối với sách giáo khoa, bao gồm nguyên tắc biên soạn, trình bày nội dung sách, giấy in sách, khuôn khổ sách, in sách, gia công sách và phương pháp thử. Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa chỉ áp dụng cho sách in, không áp dụng cho sách điện tử.

Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục; gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.

Yêu cầu về trình bày sách giáo khoa, cần đảm bảo theo thứ tự từ trên xuống các thông tin sau đây: Tên tác giả (cá nhân hoặc tập thể): Tên tác giả là cá nhân, ghi họ tên, có thể ghi thêm học hàm, học vị (nếu có). Tên tác giả là tập thể phải ghi thêm tên người chủ biên.

Tên sách. Dưới tên sách ghi thêm tên lớp hoặc cấp học. Ví dụ: Lớp 1, Lớp 2, Sách tiểu học, sách THCS, Sách THPT…

Lô gô, tên nhà xuất bản và lô gô, tên đối tác liên kết.

Khuôn khổ sách giáo khoa: Yêu cầu về khổ sách giáo khoa được quy định từ khổ 17 cm x 24 cm đến khổ 20,5 cm x 28 cm.

Kỹ thuật in sách giáo khoa: Trang in mặt trước và trang in mặt sau phải chồng khít lên nhau (sai lệch cho phép không lớn hơn 1 mm); Các chi tiết in phải rõ nét, không hằn mặt sau, sạch sẽ, đều mực, ảnh tram lên hết tầng thứ, hạt tram đanh gọn, không bị bẩn ở những vị trí không in; In chồng màu chính xác; mầu mực đồng đều ở tất cả các trang trong một cuốn sách…

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang