Phát hiện và thu giữ hơn 1.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

author 16:04 14/10/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk mới đây đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết đơn vị vừa tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo đó, tối ngày 11/10, Đội Quản lý thị trường số 4 đã chủ trì, phối hợp cùng Tổ công tác Thương mại điện tử (cùng thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Ea H’leo) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một số hộ kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại các cơ sở kinh doanh đang bày bán hơn 1.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu PUMA, LEVI’S, ADIDAS. Cụ thể: 550 bộ quần áo thun nam gắn nhẵn hiệu PUMA, 25 áo khoác gắn nhẵn hiệu PUMA; 64 cái quần jean ngắn các loại hiệu LEVI’S, 453 đôi dép lê nhựa gắn nhãn hiệu ADIDAS.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm nói trên.

 Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 1.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

 
 

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc, tam giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc buôn bán hàng hóa giả mạo theo quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị xử phạt hành chính.

Theo đó các tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội.

Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang