Phát triển bền vững: Đề cao vai trò của tuần hoàn tái sử dụng nước thải
Quản lý nước thải đô thị từ vụ cá chết Hồ Tây
Nhật Bản: Phát triển robot hình dáng giống nhện có thể kiểm tra đường ống nước thải
Tại Việt Nam, mặc dù ngày càng nhiều doanh nghiệp phát triển theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn còn những rào cản và thách thức trong tuần hoàn tái sử dụng nước thải công nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường chỉ ra, trước tiên, đó là thách thức về công nghệ. Các giải pháp công nghệ phổ biến có thể được áp dụng trong tuần hoàn tái sử dụng nước như công nghệ hấp phụ, công nghệ màng hay trao đổi ion hiện nay có thể đáp ứng được mọi yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên, các công nghệ này hầu hết đòi hỏi chi phí cao, và đây thách thức với nhiều doanh nghiệp.
Bà Hương nêu cụ thể, về cơ bản, có ba mô hình doanh nghiệp có thể tiếp cận: (1) Phát triển công nghệ tái sử dụng quy mô nhỏ, phân tán kết hợp với trạm xử lý nước thải hiện có; (2) Phát triển công nghệ tái sử dụng tập trung quy mô lớn; (3) Quy mô linh hoạt, phát triển từ hệ thống xử lý nước thải sẵn có kết hợp với quy mô tái sử dụng phù hợp. Trong đó, mô hình (3) có lẽ phù hợp hơn cho giai đoạn hiện nay.
Tiếp đến là rào cản về chính sách, việc thống kê, kiểm kê, quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải gần như chưa được triển khai trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào ở nước ta. Việc quản lý hoạt động tái sử dụng dụng nước thải cũng chưa được phân công, phân cấp một cách rõ ràng, cụ thể.
Ở cấp vĩ mô, vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý cũng chưa được chú trọng, quan tâm một cách thích đáng; trong các quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cũng như quy hoạch về khai thác, sử dụng nước chủa các ngành kinh tế hầu như không đề cập đến vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý. Ở cấp vi mô, vấn đề tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư chưa được nhìn nhận, xem xét ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế hoặc thẩm định dự án.
Thời gian qua, ở Việt nam việc tái sử dụng nước thải sau khi xử lý đã được quan tâm và khuyến khích trong các văn bản luật, nghị định. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về tái sử dụng nước thải về cơ bản vẫn dừng ở nguyên tắc chung, chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện việc tái sử dụng nước thải và các cơ quan quản lý địa phương quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải trên thực tế.
Đối với vấn đề tái sử dụng nước thải ở các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp, việc xây dựng, ban hành một quy chuẩn, hướng dẫn chung cho các đối tượng trên là rất khó khăn do tính chất đặc thù của các loại hình sản xuất kéo theo tính chất nước thải phát sinh từ các loại hình sản xuất là khác nhau và rất phức tạp. Nguyên nhân căn bản của hiện trạng này là do nước đã qua sử dụng hiện nay chưa được công nhận là một nguồn tài nguyên và chưa được đưa vào xem xét trong Luật tài nguyên nước.
PGS.TS Hoàng Thu Hương nhấn mạnh: “Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn có tác động rất tốt đến môi trường. Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong công nghiệp cần phải được thực hiện đúng cách và có kiểm soát. Cần triển khai và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý. Các thủ tục kỹ thuật, chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc tái sử dụng nước thải sau xử lý.
Do đó, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã bắt đầu bị đe dọa và Luật tài nguyên nước cần được sửa đổi cho phù hợp, việc cân nhắc xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích việc tái sử dụng nước trong công nghiệp”.
Mai Phương