Phát triển Đổi mới sáng tạo- Động lực xây dựng nền kinh tế số

author 22:13 14/09/2023

(VietQ.vn) - Thông qua việc khai thác tiềm năng của đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế số phát triển, kiến tạo một xã hội số tận dụng tối đa tiềm năng của khoa học công nghệ từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo giá trị thiết thực cho mọi người.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số”, diễn ra chiều 14/9/2023 tại thành phố Nam Định.

Hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức.

 Hội thảo “Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số” ngày 14/9/2023

Kinh tế số- Xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia 

Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm thảo luận về vai trò của đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng nền kinh tế số hiện đại, từ việc các giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số tại địa phương đến việc phát triển các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù của địa phương dựa trên nền tảng số.

Ông Trần Minh Tân- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và chiến lược, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và áp dụng vào mọi lĩnh vực như an ninh - quốc phòng, giáo dục, văn hóa và đặc biệt không thể không kể đến kinh tế.

“Thực tiễn cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên cách mạng kỹ thuật số. Vì vậy, kinh tế số vừa là đặc trưng, vừa là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia”- ông Trần Minh Tân nhấn mạnh. 

Tại nước ta, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Đến nay, công cuộc phát triển nền kinh tế số của nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek , Bain & Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam đã đạt khoảng 23 tỷ USD vào năm 2022, và dự kiến sẽ đạt gần 50 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trường nhanh nhất nhờ sự đột phá của thương mại điện tử.

Cụ thể trong nửa đầu năm 2022, có 148 deals thành công. Thương mại điện tử là mảng ưa thích của các nhà đầu tư với gần 230 triệu USD được đầu tư. Tiếp đến là mảng Truyền thông trực tuyến với 190 triệu USD. Đứng thứ ba được đầu tư là mảng Dịch vụ tài chính số (DFS).

Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ông Trần Minh Tân cho biết, theo khảo sát năm 2023 của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính DBS về chuyển đổi số, Việt Nam xếp thứ hai trong số 10 quốc gia được khảo sát về mức độ ứng dụng chuyển đổi số vào nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng, chỉ đứng sau Singapore.

 Phát triển Đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Quỹ đầu tư Do Ventures phối hợp phát hành tháng 3 vừa qua chỉ ra Fintech nhận được nhiều vốn đầu tư nhất, với mức tăng ấn tượng 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Các ứng dụng thanh toán di động như Momo, ZaloPay và ViettelPay đã trở thành những cái tên quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành không ngừng đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Trong đó, định hướng thứ hai và định hướng thứ ba xác định phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang- Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Kinh tế số là tổng thể các hoạt động của nền kinh tế hình thành nên, và đổi mới sáng tạo là bản chất của Kinh tế số. Do vậy, chúng ta phải nhìn kinh tế số ở tầng nghĩa rộng nhất, tức là bao gồm cả nền kinh tế truyền thống và thêm vào các giá trị về số.

 Ông Lê Nguyễn Trường Giang- Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ tại Hội thảo

Thực tế hiện nay, kinh tế số Việt Nam vẫn còn non trẻ, đang trong giai đoạn phát triển ở những bước đầu tiên, mới chỉ chiếm 15%. Theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỷ trọng Kinh tế số phải đạt 20% GDP.

Để đạt được mục tiêu này, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu xuất hiện nhiều nhiễu động như hiện nay.

Đến nay, nhiều đơn vị đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động với các đối tác trong và ngoài nước để cung cấp, kết nối các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp- ông Lê Nguyễn Trường Giang cho hay.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, các hiệp hội và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số.

Hội thảo cũng tạo ra không gian và cơ hội kết nối khối công - tư trong phiên tọa đàm. Tại đây, các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý trung ương và địa phương, giao lưu và hợp tác trong việc phát triển nền kinh tế số.

Theo các chuyên gia, cần khai thác tiềm năng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển và tạo động lực cho nền kinh tế số. Bởi chỉ thông qua việc khai thác tiềm năng của đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể xây dựng một nền kinh tế số phát triển, kiến tạo một xã hội số tận dụng tối đa tiềm năng của khoa học công nghệ từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo giá trị thiết thực cho mọi người.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang