Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH&CN

author 06:28 18/09/2014

(VietQ.vn) - Theo Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, để phát triển được ngành khoa học công nghệ Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực và có chính sách ưu đãi nhân lực khoa học công nghệ tốt, để có thể tạo ra một đội ngũ kế cận.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn được đánh giá là đơn vị hàng đầu trong ngành nghiên cứu khoa học cơ bản. Tính đến tháng 12/2013, Viện có tổng số trên 4.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 2.649 cán bộ trong biên chế; 44 giáo sư, 161 phó giáo sư, 35 tiến sỹ khoa học, 706 tiến sỹ, 781 thạc sỹ và 794 cán bộ, viên chức có trình độ đại học.

Lực lượng cán bộ khoa học này vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và tham gia vào công tác đào tạo ở bậc đại học và sau đại học ở các cơ sở đào tạo sau đại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CN) cũng như các cơ sở đào tạo trong cả nước.

Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách cũng như trong quá trình phát triển nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ đã và đang bộc lộ. “Đội ngũ kế cận của khoa học và công nghệ đang có nguy cơ tuyệt tự” như lời phát biểu tâm huyết của Giáo sư- Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

Sau đây là một số ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm góp phần tìm ra những hướng đi mới cho bài toán nhân lực của lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH&CN

Tìm hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa

Ưu tiên cho các đơn vị nghiên cứu khoa học

Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, đơn vị được thành lập năm 2002, mặc dù được giao nhiệm vụ quốc gia rất nặng nề là nghiên cứu các công nghệ giúp xử lý các vấn đề về môi trường nhưng qua 12 năm, biên chế của viện mới có 52 cán bộ.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hoài Châu cho rằng, kể cả những cán bộ của Viện có giỏi đến mấy cũng không thể đáp ứng được hết các yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ môi trường Nhà nước đặt ra. “Hiện nay, hầu hết những dự án đầu tư lớn về môi trường của Việt Nam đều giao cho các đối tác nước ngoài. Công nghệ xử lý môi trường hiện phần nhiều cũng xuất xứ nước ngoài. Những công nghệ này không quá khó đến mức các nhà khoa học Việt Nam không thực hiện được, nhưng do thiếu kinh phí đầu tư và nguồn nhân lực nên các cơ quan nghiên cứu đã không đảm nhận.

Năm 2013, Viện Công nghệ Môi trường được nhận thực hiện các đề tài từ cấp tỉnh đến cấp Nhà nước đạt giá trị 20,5 tỷ đồng; hợp đồng, dự án phục vụ công tác xử lý môi trường có tổng trị giá 43 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách nghiên cứu thường xuyên và trả lương cho cán bộ chỉ là 4,2 tỷ đồng. Với kinh phí thấp như vậy, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nghiên cứu những đề tài nghiên cứu riêng. Đối với các đề tài được thực hiện, nhà khoa học buộc phải tuân thủ những quy tắc, quy chế do bên đặt hàng đưa ra. Điều này dẫn đến việc những ý tưởng nảy sinh trong quá trình thực hiện đề tài khoa học cũng bị bó buộc.

Cũng theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hoài Châu, mỗi năm Viện thu nhận từ 3 đến 5 tiến sỹ khoa học đào tạo ở nước về. Các cán bộ này được ký hợp đồng với đơn vị trong khi đợi xét duyệt theo chỉ tiêu biên chế. Đến nay có những cán bộ đã gần 40 tuổi, làm tại Viện đã được 15 năm vẫn chưa có chỉ tiêu biên chế cho họ. Trong khi đó, theo quy chế xét nhận đề tài, người chủ trì thực hiện đề tài phải là người trong biên chế đơn vị.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hoài Châu chia sẻ: “Tôi thực sự thấy xót xa khi các nhà khoa học trẻ có tài có tâm nhưng không được đãi ngộ. Hiện giờ, lãnh đạo Viện chúng tôi rất khó thuyết phục các em ở lại. Tôi thiết nghĩ Việt Nam cần có cơ chế đặc biệt cho những cán bộ đào tạo ở nước ngoài về”. Năm 2014, Viện Công nghệ Môi trường có 3 chỉ tiêu biên chế thì có tới 3 tiến sỹ, 7 thạc sỹ thuộc diện được xét. Cực chẳng đã, đơn vị phải thực hiện xét biên chế theo tiêu chuẩn xét duyệt ở mức phó giáo sư như số lượng bài báo khoa học đăng ở tạp chí nước ngoài, số công trình nghiên cứu…

Cần có chính sách xây dựng lực lượng kế cận

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, một trong những đơn vị lớn nhất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bày tỏ những băn khoăn trăn trở về lực lượng khoa học và công nghệ kế cận của Việt Nam.

Ông cho biết: “Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta hiện có khoảng 70 nghìn cán bộ làm khoa học, tuy vậy tôi thấy con số này chưa được chính xác lắm vì hiện nay ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ lớn nhất đất nước cũng chỉ có khoảng hơn 2 nghìn người làm công tác khoa học”.

Bên cạnh đó, theo Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam cần tới 90.000 cán bộ nghiên cứu khoa học. Mặc dù vậy, con số này cũng vẫn là rất nhỏ so với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… có tỷ lệ 6- 7 người làm khoa học/nghìn dân.

Nhà khoa học chia sẻ: “Để phát triển đất nước, trở thành một quốc gia giàu mạnh, kinh nghiệm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy không thể dựa vào sức người, tài nguyên thiên nhiên mà phải dựa vào khoa học và công nghệ. Theo Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, để phát triển được ngành khoa học công nghệ Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực và có chính sách ưu đãi nhân lực khoa học công nghệ tốt, để có thể tạo ra một đội ngũ kế cận.

Cần đảm bảo cho các cán bộ khoa học công nghệ có mức sống bình thường. Có như vậy các học sinh giỏi trường phổ thông mới lựa chọn theo học ngành khoa học công nghệ. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ nhân tài đối với các nhà khoa học trẻ để tiếp thêm đam mê nghiên cứu khoa học. Có như vậy, nền khoa học nước nhà mới có những bước phát triển liên tục mà không bị “hẫng” hoặc “đứt đoạn”.

Phương Thu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang