Phát triển sản phẩm du lịch kết nối di sản, Hà Nội tạo điểm nhấn hút khách

author 10:03 25/03/2023

(VietQ.vn) - Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với những câu chuyện về di sản văn hóa, cội nguồn lịch sử luôn tạo được sức hút với du khách. Để thúc đẩy phục hồi ngành du lịch, Hà Nội đã nghiên cứu sáng tạo ra những sản phẩm du lịch kết nối di sản nhằm tạo điểm nhấn hút du khách trong và ngoài nước.

Xuất phát từ ý tưởng muốn tạo ra nét độc đáo, sáng tạo của Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2023, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội (HPA) đã xây dựng Lễ hội Du lịch Hà Nội gắn với câu chuyện văn hóa, kết nối các di sản để phát triển du lịch- bà Nguyễn Thị Mai Anh- Phó Giám đốc HPA chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, những sản phẩm du lịch kết nối di sản sẽ giới thiệu được giá trị không chỉ trong một không gian của điểm di sản mà được liền mạch bởi những câu chuyện về văn hóa, lịch sử giữa các điểm di sản với nhau, giúp du khách dễ dàng hình dung ra các điểm tham quan trong hành trình du lịch.

Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long- điểm đến không thể bỏ qua của du lịch Thủ đô 

Một trong những sản phẩm du lịch mới kết nối di sản Hoàng thành Thăng Long với Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ”. Du khách tham quan và trải nghiệm tour "Tìm về kinh đô người Việt cổ" sẽ được khám phá các câu chuyện của Cổ Loa.

Tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” có lịch trình khởi hành và kết thúc tại Hoàng thành Thăng Long, được thiết kế với một lộ trình di chuyển và tham quan có câu chuyện kể rõ ràng để du khách cảm nhận rõ nét hơn những giá trị của thành Cổ Loa xưa, đặc biệt là câu chuyện về An Dương Vương xây thành ốc đánh thắng Triệu Đà, nỏ thần Kim Quy, chuyện tình của công chúa Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Thành Cổ Loa được xây dựng cách nay khảng 2.300 năm, từng là nơi đóng đô của An Dương Vương và Ngô Quyền. Tour “Tìm về kinh đô Việt cổ” đưa du khách khám phá và tìm hiểu kỹ hơn về kinh đô nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương ở thế kỷ 3 trước Công Nguyên và nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền ở thế kỷ 10 sau Công nguyên. Du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam; kỹ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam thời kỳ đầu dựng nước, về nỏ liên châu.

Thành Cổ Loa được xây dựng cách nay khảng 2.300 năm, từng là nơi đóng đô của An Dương Vương và Ngô Quyền.

Du khách sẽ được tham quan Nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Cổ Loa; tham quan 3 vòng thành với nhiều chứng tích còn sót lại cho đến ngày nay; đình Ngự triều Di quy – xưa là nơi thiết triều bàn chính sự của triều đình thời bầy giờ; đền Cổ Loa – nơi thờ An Dương Vương; Am bà Chúa – nơi thờ công chúa Mỵ Châu.

Điểm mới của tour du lịch này là du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động mà trước kia chưa từng có, đó là được trực tiếp làm mũi tên đất, làm từ mô phỏng bộ khuôn mũi tên được các nhà khoa học tìm thấy ở Cổ Loa (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia).

Ngoài ra, du khách sẽ được trải nghiệm cách làm và thưởng thức món bún xào cần Mạch Tràng nổi tiếng. Tương truyền, món bún xào cần được dân làng làm trong đám cưới của công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy. Và từ đó, đây là món ăn truyền thống và đặc sản của người Cổ Loa.

Cùng với Tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ”,  Trung tâm HPA đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tour kết nối di sản Hoàng Thành Thăng Long- Chùa Vĩnh Nghiêm- Tây Yên Tử có tên “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng”. Đây sẽ là một tour trải nghiệm văn hóa hết sức thú vị với những câu chuyện về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông- người đã khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm- một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam hòa nhập Đạo với Đời, mang tính nhân văn sâu sắc- bà Nguyễn Thị Mai Anh cho hay. 

Tour “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng” sẽ đưa du khách từ Hoàng thành Thăng Long đến chùa Vĩnh Nghiêm (tinh Bắc Giang). 

Chùa Vĩnh Nghiêm, tồn tại từ thời Lý, được UNESCO trao Bằng công nhận 3000 mộc bản trong chùa là di sản tư liệu ký ức thế giới. 

Nếu Đông Yên Tử (vùng Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch, thì Tây Yên Tử (vùng Bắc Giang) là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Sau khi sáng lập ra dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi khai tràng thuyết pháp, rèn luyện tăng ni trong cả nước xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trụ sở chung của Phật giáo cả nước. 

Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về khoa học, nghệ thuật như: Tượng Phật, đồ thờ, hệ thống văn bia... Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được kho Mộc bản gồm 34 đầu sách với 3050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Tour “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng” sẽ mang đến trải nghiệm khó quên cho du khách. Đó là du khách được trải nghiệm in mộc bản, nội dung in là bài thơ Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông.

Với 2 tour du lịch mới kết nối di sản là Tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” và Tour “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng”, Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo được điểm nhấn trong công tác xúc tiến du lịch nhằm phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội trong năm 2023- Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang