Phát triển tài sản trí tuệ: Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia

author 17:39 23/12/2021

(VietQ.vn) - Vải thiều của Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia trên thế giới.

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia nhờ sản lượng luôn ổn định đi đôi với chất lượng

Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, năm 2021, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 28.100 ha tổng diện tích trồng vải an toàn, trong đó: Vải chín sớm: 6.050 ha, vải thiều chính vụ: 22.050 ha; vải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP: 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh); vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP: 82 ha. 

 Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Có thể khẳng định, mặc dù chịu ảnh hưởng từ những diễn biến bất lợi do dịch COVID-19, song năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch. Là một năm được mùa, được giá. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ, tương đương với năm có doanh thu cao nhất; trong đó: Doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.

Không chỉ có sản lượng ổn định mà chất lượng vải thiều của Bắc Giang luôn được người tiêu dùng trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới công nhận. Bằng chứng là hiện nay vải thiều của Bắc Giang đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia đã cho thấy hiệu quả của hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ được Chính phủ quan tâm, các bộ, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, hỗ trợ.

Vải thiều Bắc Giang- sản phẩm nông sản đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Nói tới vải thiều- đặc sản của tỉnh nhà, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, là vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với cách làm sáng tạo, chủ động, hàng năm, vải thiều Bắc Giang đều có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay sản phẩm này không chỉ được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia mà còn trở thành nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Cũng nhờ đó đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác, đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác..

Để sản phẩm vải thiều có mặt tại thị trường Nhật Bản, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cục đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường, đó là: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tích cực tác động ở nhiều cấp để đẩy nhanh tiến độ. Tiến trình kéo dài gần 2 năm và thực sự khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ vải thiều Lục Ngạn vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật và năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.

Việc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là thị trường "khó tính" như Nhật Bản. Với việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá: “Việc Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang là một tin vui cho bà con nông dân địa phương. Điều đó khẳng định chất lượng vải thiều huyện Lục Ngạn đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, chắc chắn sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải thiều Bắc Giang không những tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác trên thế giới”.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang