Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

author 06:14 13/03/2021

(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Theo Chiến lược, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Định hướng phát triển theo lĩnh vực, trong thời gian tới thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển. Quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới; tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.

Về khai thác thủy sản, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản…

Về nuôi trồng thủy sản, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa…

Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Ảnh minh họa 

Định hướng phát triển theo vùng, tập trung nguồn lực củng cố, mở rộng, phát triển và thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội từng vùng, nhất là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, trong rừng ngập mặn, các đầm phá, trên thượng nguồn và lưu vực của các dòng sông; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhà nước đẩy mạnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng ở vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa.

Xây dựng các làng cá (ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang, hải đảo,...) gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; giảm mạnh các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản và khuyến ngư ở địa phương.

Liên quan tới vấn đề trên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản cả nước đạt 1.141,4 ngàn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 ngàn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đạt 540,9 ngàn tấn, tăng 0,5% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 512,7 ngàn tấn, tăng 0,5%).

Mỹ, EU, Canada, ASEAN, Ai Cập, Ixraen và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2021
Có 853 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản. Trong đó, có 6 doanh nghiệp có trị giá đạt trên 10 triệu USD, đứng đầu là Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Cp Vĩnh Hoàn, Công ty Cp Thủy Sản Minh Phú - Hậu Giang, Công ty Cp Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú...

Có 137 doanh nghiệp có trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt từ 1 đến 9,9 triệu USD. Còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu đạt trị giá dưới 1 triệu USD, chiếm 25,5% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước.

2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 ngàn tấn với trị giá 1,011 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những tháng đầu năm 2021 chưa có nhiều biến đổi lớn so với năm 2020. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ từ nguồn cung tới sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, thủy sản Việt Nam được xuất khẩu tới 111 thị trường trong đó Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản năm 2020 đạt 1,9 triệu tấn với trị giá 1.397 tỷ Yên, tương đương 13,28 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 14,9% về trị giá so với năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, chiếm 7,02% về lượng và chiếm 8,46% về trị giá, đạt 133,49 nghìn tấn với trị giá 118,16 tỷ Yên, tương đương 1,123 tỷ USD, giảm 12% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với năm 2019. Dự báo, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản năm 2021 đạt 1,95 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2020 với trị giá 1400 tỷ Yên, tương đương 13,31 tỷ USD, tăng 0,2%. Trong đó Việt Nam vẫn duy trì là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Nhật Bản.

Với thị trường Mỹ, theo số liệu thống kê từ NMFS, nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2020 đạt 2,94 triệu tấn với trị giá 21,89 tỷ USD, tăng 3,2% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ về trị giá, chiếm 6,41% đạt 1,4 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2019. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng thủy sản Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam giảm. Xét về lượng Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Mỹ sau Thái Lan, chiếm 7,78% về lượng đạt 228,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với năm 2019. Dự báo, năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng nhẹ về lượng đạt 2,95 triệu tấn với trị giá 22 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ lớn thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2020 đạt 462,03 ngàn tấn, trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 3% về lượng nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2019.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang