Phê phán giáo dục vì chưa dạy kế toán từ bậc phổ thông

author 10:20 09/01/2013

(VietQ.vn) - Trong cuộc hội thảo ngày 8/1, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định nếu chúng ta chờ cho học sinh vào đại học mới dạy kinh doanh thì đã muộn.

Ngày 8/1, tại cuộc một cuộc hội thảo, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ đưa môn Kinh doanh vào dạy thí điểm bậc phổ thông, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, một nhà kinh doanh (từng đạt giải Olympic Toán quốc tế, từng học Toán tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, Nga) hiện là ông chủ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện ảnh, báo chí, xây dựng... cho rằng, anh phê phán nền giáo dục của cả thế giới khi chưa đưa môn kế toán (môn nền tảng của kinh doanh) vào dạy phổ thông.

Môn kế toán nếu được dạy cho học sinh, theo doanh nhân này, chỉ cần đơn giản là những kiến thức về vốn, nợ, lập bảng cân đối tài chính... là những điều mà không cần biết các khái niệm toán học cao siêu cũng có thể hiểu được.

Được nhồi nhét nhiều thứ nhưng học sinh Việt Nam lại chưa được học những kiến thức cơ bản của môn kinh doanh.
Được nhồi nhét nhiều thứ nhưng học sinh Việt Nam lại chưa được học những kiến thức cơ bản của môn kinh doanh

Trước đó, Robert Kiyosaki, tác giả bộ sách nổi tiếng "Cha giàu, cha nghèo" cũng nêu ý kiến tương tự, khi phê phán các trường phổ thông chưa giảng dạy các kiến thức về kinh doanh, dòng tiền... cho học sinh.

Trong cuộc hội thảo ngày 8/1, ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT khẳng định, nếu chúng ta chờ cho học sinh vào đại học mới dạy kinh doanh thì đã muộn.

Ông cho rằng, dạy môn kinh doanh sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Hiện nay, trước tình trạng nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp lớn, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT trình phương án tạo công ăn việc làm cho những người này. 

Nhưng trong khi nhiều công ty đang làm ăn khó khăn, dừng hoạt động, thì một trong số hướng mà các tổ chức quốc tế tư vấn cho Việt Nam là dạy những kỹ năng cần thiết cho người học có thể "tự tạo việc làm" khi ra trường.

Ở các nước kinh tế phát triển, nhiều người trẻ tuổi đã không theo đuổi con đường học tập trong nhà trường lâu dài mà dám mạnh dạn bỏ học, làm kinh doanh. Nhiều người đã thành đạt và trở thành triệu phú.

Vũ Luận

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang