Phong trào năng suất chất lượng lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế

author 06:16 19/09/2015

(VietQ.vn) - Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai mạnh mẽ, làm thay đổi rõ nét bức tranh năng suất chất lượng của Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bức tranh năng suất chất lượng Việt Nam tươi sáng

Sáng nay, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng (Chương trình 712).

ông trần việt thanh, thứ trưởng bộ khoa học công nghệ

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội nghị

Tới dự hội nghị có ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên ban chấp hành TW Đảng, Ủ viên ban thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT Quốc hội. Ông Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT Quốc hội. Đại diện Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NNPT&NT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.

Đại diện lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng địa phương: Tp. Cần Thơ, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Quảng Nam và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Về phía cơ quan chủ trì có ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng, kể từ thập niên chất lượng lần thứ nhất (1996-2005), Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Trong 10 năm với những tiến bộ vượt bậc, các doanh nghiệp đã dần khẳng định được chất lượng hàng hóa của Việt nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

tổng kết thập niên năng suất chất lượng

Ông Trần Việt Thanh và ông Ngô Quý Việt chủ trì hội nghị

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, tiếp nối thành công của Thập niên chất lượng lần thứ nhất, Thập niên chất lượng lần thứ 2 với chủ đề "Năng suất Chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập" đặt ra với mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam", khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế đất nước.

"Triển khai thực hiện mục tiêu của thập niên chất lượng lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt nam, phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng từ trung ương tới địa phương, đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình điểm áp dụng các hệ thống, công cụ và giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ KH&CN cũng cho thấy, các dự án cụ thể trong khuôn khổ chương trình quốc gia về năng suất chất lượng cùng với tinh thần chủ đạo của thập niên chất lượng đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Hơn 50 tỉnh, thành phố và một số Bộ ngành đã phê duyệt và triển khai các chương trình năng suất chất lượng giúp cho việc chuyển biến từ nhận thức đến hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp. "Năng suất chất lượng" đã trở thành yếu tố quan trọng và không thể thiếu được trong định hướng phát triển kinh tế xã hội cấp vĩ mô và nhu cầu phát triển doanh nghiệp.

Chỉ tiêu năng suất yếu tố tổng hợp - TFP đã được đưa vào mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đong đó xác định: Năng suất yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. Phần định hướng phát triển kinh tế xã hội về khoa học và công nghệ trong Chiến lược chỉ rõ "hướng trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh trạnh của nền kinh tế".

ông Trần Văn Vinh, tổng cục phó tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Ông Trần Văn Vinh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng báo cáo tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai và chương trình 712

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ cùng với đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng như: các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất, đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất.

Doanh nghiệp ngày càng nhận thức được vai trò của năng suất chất lượng, chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức chuyên môn để được đào tạo, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất... Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng được tăng cường cùng với các mô hình, công cụ và giải pháp nâng cao năng năng suất áp dụng tại nhiều doanh nghiệp đã mang lại những kết quả cụ thể và trở thành những điển hình tiên tiến, có thể phổ biến và tiếp tục nhân rộng;

Qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng;

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai và chương trình 712

Đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai và chương trình 712

Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong 5 năm qua chương trình đã xây dựng và công bố 4.485 tiêu chuẩn quốc gia, đưa tổng số tiêu chuẩn quốc gia hiện hành lên 8.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực là 45%.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, bằng những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước từ mức đóng góp không đáng kể trong giai đoạn trước đẩy lên trên 25% trong giai đoạn 2011 - 2014 và đạt mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế trên 30% vào năm 2015.

Kết thúc giai đoạn I, đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục như tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án năng suất chất lượng của một số ngành, địa phương còn chậm và một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.

Dự án năng suất chất lượng thành công tại doanh nghiệp

Áp dụng  MFCA thành công tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi

Là một doanh nghiệp, ý thức rằng muốn tồn tại và phát triển thì chỉ có một cách duy nhất là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng và thị trường.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, quyền lợi cổ đông, cũng như duy trì lợi nhuận để phát triển công ty.  Để giải bài toán này, Công ty đã đưa ra các phương án như: Mở ra những thị trường mới theo hướng đi riêng; đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại; cố gắng cắt giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm.

hội nghị thập niên năng suất chất lượng

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước

Song song việc đầu tư nói trên với nguồn chi phí khá lớn, còn có giải pháp đơn giản hơn, kinh tế hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm, nâng cao được năng suất đó là việc áp dụng các hệ thống quản lý, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Một trong những công cụ có hiệu quả, mà Công ty đã và đang từng bước nghiên cứu, áp dụng, triển khai sâu rộng cho các đơn vị trong toàn Công ty là phương pháp Quản lý chi phí dòng nguyên liệu MFCA (Material Flow Cost Accounting).

Kết quả mà Công ty thu được khi áp dụng phương pháp MFCA là giảm được lãng phí từ việc cải tiến quá trình sản xuất giúp tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm thiểu chất thải ra môi trường...

Hiệu quả sau áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 tại Công ty CP Miza

Được sự hỗ trợ và lựa chọn tham gia Nhiệm vụ Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng Hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các Doanh nghiệp Miền Bắc cũng như nhận thức được các lợi ích khi áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào quá trình quản lý, sản xuất và kinh doanh của công ty Cổ phần Miza đã tiến hành triển khai áp dụng từ tháng 9/2014 và đã được Tổ chức chứng nhận QUACERT cấp Giấy chứng nhận ISO 9001:2008.

Hiệu quả sau áp dụng tại Công ty Cổ phần MIZA đã có những mặt nổi bật rõ rệt: Sau khi áp dụng ISO 9001:2008 , năng suất lao động đã tăng 1,16%. Chi phí giảm đi rõ rệt do hoạt động tuyên truyền tiết kiệm (tiết kiệm điện, nước...) được phổ biến liên tục cho mọi người trong công ty. Hoạt động cải tiến liên tục những điểm không phù hợp cũng góp phần giảm đi nguyên vật liệu cần dùng mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Chi phí giảm đi 5% so với chưa áp dụng. Tỷ lệ sản phẩm/dịch vụ bị lỗi khi đến tay khách hàng giảm 5% so với trước khi áp dụng ISO 9001:2008 do luôn có sự phản hổi khách hàng kịp thời, đồng thời tìm ra nguyên nhân, đối sách khắc phục khi nhận được sự phàn nàn của khách hàng một cách nhanh nhất. Tỷ lệ giảm sản phẩm/dịch vụ bị lỗi trong quy trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ giảm 10% do công ty luôn cải tiến, đề ra các hành động phòng ngừa, những điểm không phù hợp tiềm tàng trong sản xuất cũng như các hoạt động khác. Năng suất tăng,  sản lượng tăng, chi phí nguyên vật liệu, năng lượng giảm dẫn đến doanh số tăng 0,5% và kéo theo lợi nhuận tăng 0,5% sau khi áp dụng ISO 9001:2008.

Áp dụng hệ thống quản lý ATTP ISO 22000 tại Cty CP Thủy sản Bạc Liêu

Năm 2013 – 2014, Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp đạt đủ điều kiện được để tham gia nhiệm vụ “Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp miền Nam” thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”, Chương trình Quốc gia “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEDEC 2 chủ trì thực hiện.

Sau khi thực hiện áp dụng hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (HTQLATTP) theo TCVN ISO 22000:2007 vào hoạt động của doanh nghiệp, hầu hết các vấn đề gặp phải tại doanh nghiệp đều được đưa ra hướng giải quyết và bên cạnh bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể sau: Các sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng có chất lượng hơn khi cung cấp đến khách hàng cũng như góp phần nhận diện các sản phẩm không phù hợp, từ đó, có các biện pháp khắc phục phù hợp nhằm góp phần làm giảm chi phí. Việc kiểm soát các hồ sơ chất lượng ngày càng được cải thiện hơn trong quá trình đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng. Năng suất tăng thêm 20%. Đặc biệt sản phẩm của chúng tôi tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu xuất khẩu khắt khe về an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.       

Áp dụng HTQL rủi ro theo ISO 31000 tại Cty Mía đường Thành Công Tây Ninh 

Qua Chương trình quốc gia, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) có cơ hội được lựa chọn làm mô hình điểm áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000 qua sự hỗ trợ hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest3).

Sau thời gian hơn 01 năm được sự hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật 3, TTCS đã cơ bản xây dựng và áp dụng thành công hệ thống ISO 31000 cho 04 hoạt động chính của Công ty: Nông nghiệp, Sản xuất, Kinh doanh và Tài chính. Qua đó, đã hỗ trợ Công ty đạt được các mục tiêu đề ra.

Tôi mong muốn rằng, mô hình Hệ thống quản lý rủi ro cần được phổ biến áp dụng rộng rãi trong các Doanh nghiệp lớn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dạng này xác định được các mối nguy, đánh giá được các rủi ro, xử lý rủi ro và cải tiến được các quá trình nhằm giảm thiểu các rủi ro đến mức chấp nhận được.

Tổng cục có thêm nhiều chương trình nhận rông áp dụng mô hình này cho các doanh nghiệp lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hiệu quả các rủi ro trong Doanh nghiệp, giúp Doanh nghiệp đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh một cách hoàn hảo.

Nguyễn Nam - Viết Cường - Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang