Phụ huynh ‘lao đao’ sắm phương tiện cho học sinh học trực tuyến

(VietQ.vn) - Năm học mới đã bắt đầu, có những câu chuyện "dở khóc, dở cười" của phụ huynh về việc mua sắm thiết bị phục vụ cho trẻ học trực tuyến trong mùa Covid-19.
Nhiều rủi ro khi mua laptop cũ để học online trong những ngày giãn cách dịch Covid-19
Tư vấn mua máy tính: Sinh viên nên chọn laptop nào là tốt nhất?
Thị trường máy tính sôi động
Theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, trong khi doanh số kinh doanh nhiều mặt hàng giảm các lô hàng máy tính xách tay toàn cầu vào năm 2020 lần đầu tiên vượt hơn 200 triệu chiếc. Đây là mức cao kỷ lục mới đối với thị trường máy tính xách tay toàn cầu. Tuy nhiên, các lô hàng máy tính xách tay toàn cầu sẽ có cơ hội đạt 217 triệu chiếc vào năm 2021. Như vậy, tăng trưởng máy tính cá nhân sẽ là 8,1% so với năm ngoái.
TrendForce tin rằng nhu cầu đối với các sản phẩm này sẽ đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2021. Nó cũng sẽ làm tăng tổng lượng máy tính xách tay xuất xưởng trong giai đoạn này.
Còn theo hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỉ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020. Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỉ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021. Gartner cho rằng, số lượng laptop và tablet sẽ tăng tương ứng 8,8% và 11,7% vào năm 2021.
Theo Gartner ước tính, số lượng máy tính PC (bao gồm máy tính bàn và laptop) bán ra đã tăng 32% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
IDC thì đưa ra con số còn lớn hơn, lên tới 55% mặc dù cuộc khủng hoảng về thiếu hụt chip bán dẫn nhưng vẫn không kìm được đà tăng trưởng của thị trường máy tính cá nhân.
Nhiều hãng sản xuất laptop còn cho rằng, sự tăng trưởng này còn có thể lớn hơn nếu như không có cuộc khủng hoảng về chip bán dẫn.
Cả Gartner và IDC kỳ vọng: Trong những quý còn lại của năm khi mà dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn thì xu hướng mua sắm cũng sẽ thay đổi. Tuy vậy Gartner và IDC cho rằng thị trường máy tính vẫn sẽ có những sự khởi sắc.

Máy tính đang được khách hàng tìm mua khá nhiều thời điểm dịch bệnh. Ảnh chụp màn hình
Nhu cầu máy tính tăng đột biến
Anh Nguyễn Văn Chiến (ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh có 2 người con, do cả hai đều phải học online cùng buổi sáng nên anh bắt buộc phải tìm mua laptop cũ giá rẻ cho con. Tuy nhiên, vì không mua được máy cũ nên anh cũng có liên hệ một số cửa hàng máy tính để mua máy mới nhưng dòng dưới 10 triệu đồng rất hiếm, họ đều bảo hết hàng. Cơ bản còn những dòng máy có giá 17-21 triệu đồng. Nếu mua 2 máy thì gia đình anh không đủ sức. Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định lên mạng đăng tin kêu gọi ai có máy cũ thì để lại giúp mình và đã nhận được liên hệ của một người quen, họ để lại cho anh cái máy đã sử dụng khoảng 6 năm nay với giá 5 triệu đồng.
Có con chuẩn bị vào cấp 3, chị Nguyễn Hoài Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) muốn mua một chiếc laptop cho con học tập. Tuy nhiên, đi vài cửa hàng mà chị vẫn lưỡng lự, chưa mua được sản phẩm như ý. Chị cho biết: “Trước đây khi con tôi học cấp 2, tôi cho cháu sử dụng một chiếc điện thoại cũ để học online. Nhưng giờ cháu đã vào cấp 3, có nhu cầu nhiều hơn về tra cứu tài liệu nên tôi muốn mua laptop cho con tiện sử dụng. Nhưng laptop đang có giá khá cao, loại tốt, nhẹ và bền cũng có giá lên đến 15 triệu đồng nên tôi còn đang băn khoăn chọn lựa”.

Học sinh bước vào năm học bằng hình thức học trực tuyến. Ảnh: B. Thanh
Cũng không có điều kiện như nhiều sinh viên khác, nhưng thời điểm này, em Mạnh Hùng (P. Hưng Dũng, TP.Vinh) cũng phải mua một chiếc máy tính để phục vụ việc học. Theo Hùng, một buổi sáng có thể học tới 2 môn theo thời khoá biểu, nên nếu dùng điện thoại liên tục sẽ rất nóng và hại máy. Hơn nữa, cũng không thể cầm máy điện thoại trên tay để học cả ngày. “em tiết kiệm được gần 4 triệu đồng, xin mẹ thêm một ít mua được một chiếc máy tính cũ. Do tiền ít, nên cấu hình không cao, máy cũng chỉ có thể lên mạng và tải một số phần mềm phục vụ việc học”, Hùng nói.
Nhiều phụ huynh tại TP.HCM đang chạy đôn chạy đáo để lo trang thiết bị cho con mình học trực tuyến. Bà Lê Thị Kim Yến - phụ huynh ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - cho biết đã liên hệ 3 cửa hàng bán máy tính ở TP.HCM nhưng đều nhận được trả lời sau khi dịch bệnh được kiểm soát mới có thể giao hàng. "Trong khi đó, ngày 6-9 các con đã học trực tuyến rồi, máy đâu mà học bây giờ?" - bà Yến băn khoăn.
Dù nhà có một máy vi tính nhưng bà Nguyễn Ánh Hồng, phụ huynh của 3 học sinh ở quận 10, cho biết cả 2 vợ chồng đều làm việc từ xa, đều có nhu cầu sử dụng máy tính nên không thể đưa máy tính cho các con học online. "Giá máy tính và thiết bị hỗ trợ tăng 1,5 - 2 lần, trong khi yêu cầu phải chuyển tiền trước, khi nào hết giãn cách mới giao hàng! Như vậy, dù có tiền cũng không thể mua được máy tính cho con học" - bà Hồng cho biết.

Học sinh lớp 10 tại TP.HCM sẽ học trực tuyến đầu năm học này. Ảnh phụ huynh cung cấp
Thực tế, nhu cầu cao thời gian qua đã khiến thị trường laptop liên tục tăng nhiệt. Khảo sát một số hệ thống cửa hàng máy tính trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các sản phẩm laptop như HP, Dell, Asus… đều đã có xu hướng tăng giá từ vài trăm cho đến hơn một triệu đồng/sản phẩm. Tại nhiều hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử cũng ghi nhận, các sản phẩm như laptop, tablet, tai nghe, bán rất chạy thời gian qua, thậm chí cháy hàng, không có nguồn để lấy.
Anh Nguyễn Hùng Dũng, chủ một cửa hàng laptop trên đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) cho biết, thời điểm này, có khá nhiều phụ huynh tìm mua laptop cho con khiến giá laptop tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với vài tháng trước. Đây là điểm khác biệt so với vài năm trước đây bởi theo quy luật, laptop sẽ có xu hướng giảm giá dần theo thời gian, đặc biệt khi có các model mới ra đời. Đặc biệt, các dòng sản phẩm giá bình dân, từ 8 đến 15 triệu đồng luôn trong tình trạng “cháy” hàng nên giá cả có nhích lên so với thời điểm trước đây.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất cũng là nguyên nhân khiến giá cả laptop tăng cao. Đại diện nhiều cửa hàng laptop cho biết, việc thiếu hụt linh kiện do dịch Covid-19 ở nước ngoài chưa ổn định khiến nguồn cung linh kiện để sản xuất không phục vụ đủ nhu cầu, khiến chi phí đầu vào bị đội lên, sản phẩm máy tính xuất xưởng vừa khan hiếm vừa tăng giá.
Học sinh không có điều kiện học online
Nói về năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM nhìn nhận, đây là một năm học khó khăn, học sinh phải thực hiện hình thức học trực tuyến ngay từ đầu năm học. Việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp, bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 57.000 học sinh/tổng số hơn 600.000 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Với bậc trung học, trong tổng số gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, có hơn 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học online; hơn 5.000 học sinh có máy tính hoặc smartphone nhưng lại không có Internet.

Không có thiết bị, học sinh không thể lên lớp học trực tuyến. Ảnh: Ng. Hùng
Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách...
Trong khi đó ngày 2/9, ông Nguyễn Minh Luân - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau - cho biết để hỗ trợ các em học sinh trên địa bàn, nhất là học sinh vùng nông thôn trong việc học trực tuyến, sở vừa vận động doanh nghiệp hỗ trợ 500 điện thoại thông minh trị giá 950 triệu đồng.
"Điện thoại có kết nối sẵn mạng nên các em nhận về là học trực tuyến được. Bên cạnh đó, sở cũng vận động được 2.500 bộ sách giáo khoa hỗ trợ cho các em học sinh, giúp các em yên tâm học" - ông Luân thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Luân, số lượng điện thoại thông minh kể trên không thấm vào đâu so với con số hơn 10.000 học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, sở có công văn gửi các phòng, đơn vị trường học tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp tiếp sức, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh…
Hiện các trường đã tập trung rà soát, nắm tình hình cụ thể của từng học sinh để có phương án hỗ trợ tiếp cận phù hợp. Với những học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, trường sẽ cử giáo viên gửi tài liệu, nội dung học tập.
Hiện tại, có trường đã nảy ra ý tưởng kêu gọi quyên góp điện thoại, máy tính, máy tính bảng cũ, không dùng nữa để chuyển cho những học sinh không có thiết bị học tập. Ngoài việc dạy online của các trường, sở đã làm việc với Đài Truyền hình TP.HCM để phát sóng các đoạn bài giảng, giúp học sinh có thể tự học.
Ngày 6/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM sẽ chính thức bước vào năm học mới. Ngày 8/9, học sinh tiểu học sẽ làm quen với lớp mới, được hướng dẫn cách thức học tập trước khi bắt đầu chương trình năm học từ ngày 19/9.
Thu Giang (t/h)