Phú Thọ: Khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP

author 15:20 17/05/2023

(VietQ.vn) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo triển khai từ năm 2019 đến nay đạt được nhiều kết quả góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Theo ThS. Khổng Danh Đạt - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo triển khai từ năm 2019 nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, các ngành nghề, dịch vụ nông thôn có lợi thế. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững sản phẩm OCOP.

Mục tiêu trong Chương trình OCOP của tỉnh đến năm 2025 có 306 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của các chủ thể tham gia chương trình. Sau 4 năm thực hiện, chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm và đã có nhiều sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương được công nhận.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 46 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 95 sản phẩm, nhóm sản phẩm xếp hạng 3 sao; 1 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận xếp hạng cấp quốc gia 5 sao.

Các sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP đều được đánh giá theo các tiêu chí cụ thể, được phân hạng và "gắn" sao nhằm giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm. Việc này đã tạo ra một cuộc đua về nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP giữa các địa phương, giữa các chủ thể sản xuất với nhau, trong đó KH&CN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường như: Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; hỗ trợ tạo lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm bằng các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000,..; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá sản phẩm; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ,…

Nhờ đó hiện đã có trên 300 quy trình công nghệ được chuyển giao và áp dụng; trên 500 cán bộ được đào tạo về quy trình công nghệ, trên 10.000 lượt người được tập huấn kỹ thuật; 354 văn bằng được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ bao bì cho 50 sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống, 501 HTX đang hoạt động; trong đó có 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 342 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng.

Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chương trình là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Theo đó, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Liên quan tới Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP).

Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Bộ tiêu chí OCOP) là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm 06 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Phân thành 05 hạng: Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng.

Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu.

Hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.

Hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.

Hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.

Hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang