Phú Yên: Tạm giữ trên 23.000 sản phẩm, hàng hóa vận chuyển trái phép

author 10:19 15/04/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện một vụ vận chuyển sản phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Yên, thực hiện Kế hoạch số 01/KH-CQLTT của Cục về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023, Công văn số 604/TCQLTT-CNV của Tổng cục QLTT về việc triển khai tháng an toàn thực phẩm năm 2023, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Phú Yên) phối hợp với Phòng PC08 (Công an Phú Yên) triển khai những nhiệm vụ quan trọng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng PC08 đã tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo biển số 50H-074.63 tơ mooc 51R-199.94, do ông Nguyễn Văn Ni (địa chỉ thường trú tại thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, Hoài Ân, Bình Định) và ô tô biển số 51D-489.79 do ông Nguyễn Chính Bắc (địa chỉ tại Bình Thuận, Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.

Đội QLTT số 1 kiểm tra lô hàng hóa vi phạm.  

Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên 2 xe ô tô nói trên vận chuyển lượng hàng hóa vi phạm khá lớn, gồm: 4.040 bì/hộp (Bánh dẻo, Kẹo ô mai, Kẹo dẻo, Bánh mì tươi, Thạch hình chả trứng; Kẹo dẹo dạng cây kem, Kẹo mút, Bánh que, Kẹo trong đồ chơi, Bánh hạnh nhân, Lẩu kẹo); 2.600 cái giá đỡ dán tường treo ổ cắm điện; 2.000 cái Đai lưng chống gù; 990 cái mũ nửa đầu chống nắng; 60 kg tay nắm gập 180 kg hốc bánh xe dùng cho loa thùng; 220 kg Khóa bướm; 1.200 cái Nẹp đáy cửa; 270 miếng Tấm mica kích thước 1m2 x 2m4; 900 cái kính chống bụi hiệu Victor, made in Taiwan; 381 hộp thực phẩm chức năng các loại; 3.231 chai/hộp/tuýp mỹ phẩm các loại; 1.080 kg trà không có nhãn hàng hóa; 360 vỉ đồ chơi trẻ em các loại; 31 cái máy tính xách tay; 1.675 cái quần các loại; 5.600 bì miếng dáng hình xăm; 465 cái bình nước; 260 cái túi đựng laptop, balo các loại; 120 cái đèn xi nhan xe đạp; 350 hộp dầu gió; 217 đôi giày, dép các loại; 25 cái đồng hồ hiệu Anne Klein; 20 cái máy chăm sóc da; 150 cái Ổ cứng SSD; 20 cái khóa cửa thông minh…

Theo Đội QLTT số 1, toàn bộ số hàng hóa vận chuyển trên 2 xe nói trên đều do nước ngoài sản xuất. Đáng lưu ý, tại thời điểm kiểm tra, cả 2 lái xe đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo; nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 1 đã quyết định tạm giữ trên 23.000 sản phẩm hàng hoá vi phạm nói trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới hình thức xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau: Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang