Phương pháp 'lọc máu giúp loại bỏ bệnh tật' không có tác dụng như quảng cáo

(VietQ.vn) - Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo người dân không nên tin vào những chiêu trò quảng cáo lọc máu giúp loại bỏ bệnh tật, ngăn ngừa các bệnh mạn tính.
Từ 01/01/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc trực tuyến ngay trên VNeID
Hướng đi mới cho Việt Nam trong ngành AI sau cú hích DeepSeek của Trung Quốc
Xử lý 8.560 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn lậu và gian lận thương mại
Gần đây, nhiều người đổ xô đi lọc máu với hy vọng loại bỏ mỡ máu và ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, xơ vữa động mạch, tiểu đường và gan nhiễm mỡ. Một số cơ sở y tế quảng cáo rằng chỉ cần lọc máu là có thể loại bỏ máu xấu và phòng ngừa hàng loạt bệnh tật.
Trước tình trạng này, BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam cho biết: Phương pháp này được quảng cáo ở thị trường Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt sau Covid-19. Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rõ phương pháp lọc máu sẽ rất tốt với điều kiện dành cho trường hợp cấp cứu và dành cho những trường hợp bệnh nhân bệnh lý như nhiễm độc, suy thận, rối loạn Lipid máu nặng, tăng mỡ máu rất nặng… Bởi nếu các bệnh nhân này nếu không được lọc máu thì trong máu sẽ nhiều Cholesterol và nhiều Triglycerid gây đặc quánh máu và hình thành huyết khối.
Người dân cẩn trọng trước các quảng cáo về phương pháp lọc máu phòng ngừa các bệnh
"Khi sử dụng lọc máu bên ngoài, họ đã đưa chất chống đông và nhiều thứ khác trong quá trình lọc có thể dẫn đến nguy cơ sốc, chảy máu… Mặt khác, không phải ai cũng cần phải lọc hết các chất trong cơ thể. Chẳng hạn như Lipid, cũng có những mỡ tốt, không phải tất cả mỡ đều là mỡ xấu. Mỡ tốt có tác dụng làm tăng trương lực thành mạch, làm cho thành mạch chúng ta chun giãn, chắc khỏe hơn", BS Mạnh cho biết.
Theo BS Mạnh những chiêu trò quảng cáo lọc máu giúp làm đẹp hay chăm sóc sức khỏe dự phòng đều chưa được khoa học kiểm chứng.
Mới đây chia sẻ trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội viết "nếu chỉ cần 2-3 tiếng với chi phí chưa đến chục triệu mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp".
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn của các hội chuyên ngành nhưng cho đến thời điểm này chưa có khuyến cáo nào cho việc lọc máu dự phòng.
Lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp rất hiệu quả cứu sống nhiều bệnh nhân như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp...
"Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể cũng nên đặt câu hỏi nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp dự phòng này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy nên không mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Trước đó, TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM từng cho biết, hiện nay, không có chỉ định lọc mỡ máu để điều trị dự phòng đột quỵ. BS Cường cũng chỉ ra nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình lọc máu, ví dụ người bệnh đang có dị tật, dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não không được điều trị túi phình mà đi lọc máu, sẽ làm gia tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, rất nguy hiểm. Hoặc người bệnh có tình trạng hẹp động mạch nội sọ, thiếu máu lên não, khi lọc máu sẽ làm chậm đi vòng tuần hoàn máu của bệnh nhân, gây thiếu máu não, dẫn tới nguy cơ cao xảy ra đột quỵ trong khi lọc máu.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều nơi đánh vào nỗi sợ bệnh tật của người dân để tung ra nhiều chiêu trò quảng cáo về các phương pháp lọc máu phòng ngừa các bệnh lý mạn tính, tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, bởi đây là phương pháp chưa được kiểm chứng khoa học.
Bảo Linh (t/h)