QLTT Hà Nội xử lý nhiều vi phạm kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

author 14:08 01/09/2022

(VietQ.vn) - Cục QLTT TP. Hà Nội cho biết, trong đợt vừa qua đã kiểm tra 11 vụ, xử lý 11 vụ, phạt hành chính 92.500.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 114.890.000 đồng, tịch thu, tạm giữ 26.963 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.

Thời điểm gần Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh trug thu của người dân tăng nhưng không quá sôi động. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, bánh nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hầu hết các loại bánh trung thu bày bán trên thị trường đều có bao bì bắt mắt. Ngoài những thương hiệu có tiếng, nhiều loại bánh tự làm cũng được quảng cáo khá ấn tượng, song thực sự người tiêu dùng rất khó kiểm tra được chất lượng sản phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), UBND TP.Hà Nội, Cục QLTT TP.Hà Nội đã chỉ đạo toàn lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022.

Theo đó, Cục QLTT TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 12/KH-QLTT ngày 11/8/2022 về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2022; văn bản số 630/QLTTHN-NVTH ngày 03/08/2022 về kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2022 và mặt hàng thịt lợn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh bánh trung thu nhập lậu không có hóa đơn chứng từ. Ảnh minh họa.

Về kết quả kiểm tra, xử lý, trong đợt vừa qua, Cục QLTT TP.Hà Nội đã kiểm tra 11 vụ, xử lý 11 vụ, phạt hành chính 92.500.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 114.890.000 đồng, tịch thu, tạm giữ 26.963 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.

Điển hình là vụ việc ngày 15/8/2022, Đội QLTT số 24 - Cục QLTT TP.Hà Nội kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, địa chỉ: số 46, thông Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, phạt hành chính 16.000.000 đồng. Hàng hóa vi phạm là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Trị giá hàng hóa là 27.000.000 đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã rốt ráo vào cuộc và xử lý nhiều vi phạm, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác hoạt động. Cục QLTT TP.Hà Nội cho biết, việc kinh doanh bánh trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh trung thu trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và trang mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu, nguyên liệu nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Cục QLTT TP.Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động nắm bắt kịp thời các biến động về hàng hóa, giá cả, đối tượng nhập khẩu bánh trung thu, đối tượng kinh doanh, buôn bán bánh trung thu xách tay, đối tượng sản xuất bánh trung thu trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn Thành phố;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay từ khâu sử dụng nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến khâu lưu thông trong sản xuất kinh doanh bánh trung thu. Chỉ đạo các Đội QLTT tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bán hàng chính hãng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền và ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và nguyên liệu làm bánh phải đảm bảo các điều kiện như: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản công bố chất lượng hàng hóa; thực hiện ghi đúng, đủ các nội dung trên nhãn hàng hóa; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; nguyên liệu dùng để sản xuất đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đảm bảo vệ sinh môi trường không gây ô nhiễm rác thải, nước thải, không phơi bí trên lòng đường, lề đường...

Về phía người tiêu dùng, Cục QLTT TP.Hà Nội khuyến cáo không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi mua lưu ý kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng sản phẩm. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng bao gồm tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, ngày sản xuất... được ghi rõ trên bao bì. Sản phẩm được bán ở địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các điều kiện bảo quản sản phẩm.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang