Quảng cáo sữa chua Ba Vì “dạy toán sai”, gây tranh cãi: Thành công hay khủng hoảng?

author 06:24 14/03/2016

(VietQ.vn) - Trong khi nhiều bậc phụ huynh phản đối quảng cáo sữa chua Ba Vì vì đã dạy con họ cách tính sai thì chuyên gia lại cho rằng: Nó đã quá thành công!

Lời tòa soạn: Những ngày qua, đoạn quảng cáo về sữa chua mang nhãn hiệu Ba Vì đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Đặc biệt, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, hầu hết các bà mẹ đều tỏ ra khá bức xúc, họ cho rằng nhãn hàng này quảng cáo như vậy sẽ làm hại trẻ em bởi chúng sẽ “máy móc” nghĩ 6-1=6, chứ không phải 6-1=5 như công thức toán học đã dạy.

Trong khi một số chuyên gia e-marketing nhận định: đoạn video quảng cáo xung quanh đoạn đối thoại giữa 2 bố con và kết quả “6-1=6” sẽ rất dễ gây nhầm lẫn cho con trẻ về mặt toán học, tạo sự phản đối cho các bậc phụ huynh thì trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng Thắng, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy lại cho rằng: Sữa chua Ba Vì đã quá thành công trong quảng cáo này thay vì "khủng hoảng truyền thông" như nhiều người nghĩ.

Chất lượng Việt Nam xin độc quyền đăng tải ý kiến của ông Phạm Hùng Thắng - Chuyên gia truyền thông & marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, sáng lập công ty Vitot Seafood - Hải Sản tươi sống thực phẩm sạch, từ đó, độc giả có thể có một cái nhìn rất khác về quảng cáo đang gây phẫn nộ cho các ông bố, bà mẹ thời gian gần đây.

“Rồi ai cũng "Yêu công khai" hết…”

Trong truyền thông có hai loại trạng thái cảm xúc mà tác động sâu nhất vào tâm lý đám đông khiến ghi dấu vô cùng bền vững trong tâm trí khách, đó chính là: "yêu" và "ghét" hay "ghét ngầm" rồi "yêu thầm". Điều này cũng đúng trong mọi mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là "tình yêu" và "chinh phục".

Phải nói rằng: Sữa chua Ba Vì đã quá thành công trong quảng cáo này thay vì "khủng hoảng truyền thông" như nhiều người nghĩ. Lượng tìm kiếm "Sữa chua Ba Vì" và "Quảng cáo sữa chua Ba Vì" tăng đột biến, lượng view của các clip (TVC) từ chính thức trên Youtube cho tới không chính thức như các nơi copy về cũng tăng liên tục không ngừng.

Quảng cáo này đã quá thành công thay vì "khủng hoảng" như nhiều người nghĩ?!

Báo chí đưa tin, người này phản đối, người kia đồng tình, người thì nghi vấn lại có người vào giải đáp. Báo thì hỏi, báo khác lại trả lời, chuyên gia lên tiếng lại có chuyên gia giải thích và tạo lên một kỷ lục không hề nhỏ trong khái niệm gọi là: "Truyền thông nghị luận".

Cứ ở đâu tạo ra tranh luận, ở đó có đám đông, cứ ở đâu có đám đông ở đó gây được sự chú ý, cứ gây được sự chú ý một cách thông minh sẽ có người yêu và kẻ ghét, cứ có người ngầm ghét ắt có người dần hiểu để rồi thành thầm yêu.

Và điều cuối cùng là chúng ta chỉ thi nhau ùa vào bàn luận về quảng cáo nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng: chúng ta đã tò mò, tìm bằng được hoặc chờ quảng cáo trên tivi mỗi ngày để kiểm chứng cho biết "thực hư".

Khi cộng đồng đang sôi sục, xem hết, thậm chí là xem đi xem lại chính quảng cáo đó chưa đầy 20 giây mà quên là có khi đã "thuộc lòng" cả thông điệp lẫn nội dung quảng cáo, để rồi ai cũng biết rằng: Sữa chua Ba Vì đang khuyến mại "Mua 5 tặng 1".

Để rồi cái tên "Sữa chua Ba Vì" trở thành đề tài "nóng nhất" trong suốt mấy tháng trời và in dấu ấn trong lòng mọi người nhiều nhất chỉ vì một cách "logic hóa giữa quảng cáo và đời thực" vô cùng "thông minh".

Với tôi, tôi đánh giá chiến dịch quảng cáo này của Sữa chua Ba Vì là vô cùng thành công, và sự thực đó không thể chối cãi được. Hãy nhìn vào doanh số bán ra của họ là điều cuối cùng đánh giá được hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Người yêu sẽ vẫn yêu, người ghét ngầm khi hiểu sẽ yêu thầm, và người chưa từng biết tới sữa chua Ba Vì rồi cũng thành yêu hoặc ghét ngầm rồi lại bị yêu thầm hết.

Sữa chua Ba Vì đã dùng “nghệ thuật” tạo scandal như thế nào?

Bản chất của quảng cáo, truyền thông, marketing thực tế là hiệu quả của thông điệp được lan truyền đi, nội dung quảng cáo làm sao nó thu hút được càng nhiều người dùng chú ý càng tốt.

Nên phải nói rằng: Hiệu quả đánh giá đầu tiên của quảng cáo hay truyền thông, marketing chính là gây được sự chú ý.

Hiệu quả thứ hai chính là nội dung được lan truyền, copy (sao chép) và tìm kiếm nhiều thật nhiều.

Hiệu quả thứ ba là thương hiệu được nhắc đến khắp nơi từ văn hóa truyền miệng cho tới các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Hiệu quả thứ tư là được ghi dấu ấn "nhất định" vào trong tâm trí của đại đa số người tiêu dùng.

Hiệu quả thứ năm quan trọng nhất lại chính là từng bước chuyển dịch từ các hiệu quả trên thành hiệu quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu cứ quảng cáo theo phong cách đơn thuần hay đường đường chính chính mà mang lại đủ 5 hiệu quả đó thì quả thực vô cùng khó.

Chuyên gia truyền thông & marketing Phạm Hùng Thắng.

Ngày nay khi người người tự làm được quảng cáo, nhà nhà biết làm quảng cáo thì chỉ có sự thông minh và sáng tạo mới tạo ra được sự khác biệt đến mức gây được chú ý của dư luận, truyền thông mà lan truyền đến chóng mặt với sự hiện diện của thông điệp, sản phẩm cũng như thương hiệu trong quảng cáo đó.

Thế nên, sự sáng tạo hết sức thông minh mới chính là yếu tố tạo ra hiệu quả đầu tiên của quảng cáo.

Sáng tạo thì không giới hạn, ý tưởng luôn là điều mà bất cứ nhà quảng cáo nào cũng săn đón còn người tiêu dùng thì yêu thích hoặc từ từ rồi cũng sẽ yêu thích hoặc đồng cảm.

Thực tế thì phải từ rất lâu rồi nhưng đến thời điểm gần đây người ta mới lại vận dụng mạnh mẽ khái niệm: "Biến khủng hoảng thành lợi thế, biến scandal thành ưu thế và biến bất lợi thành có lợi" thẳng vào nội dung quảng cáo.

Đây không chỉ còn coi là "chiêu thức" trong quảng cáo, truyền thông, marketing nữa mà dường như đã trở thành một "nghệ thuật" khi mà "nghệ thuật" ấy quá khôn khéo để đủ tạo ra khủng hoảng nhẹ, scandal với hiệu ứng lan truyền mạnh nhưng hoàn toàn lại không liên quan gì đến "chất lượng của sản phẩm".

Và tôi nghĩ, sữa chua Ba Vì đã làm được “nghệ thuật” ấy!

Bên cạnh đó, với tôi, khi đã là một chuyên gia truyền thông không ai lại không có "Phương án B" thậm chí là C và D hay E và F. Nếu như sự việc lên tới đỉnh điểm ở mức cao nhất về "tranh luận" mà sữa chua Ba Vì cảm thấy "bất lợi" cho mình chắc chắn họ sẽ đưa ra Phương án B ngay lập tức vì họ kiểu gì chẳng có đủ "tai mắt" (Social Listening) để theo dõi mọi động thái từ thị trường, cộng đồng lẫn giới truyền thông.

Một phương án B' vô cùng đơn giản mà học viên của tôi cũng có thể nghĩ ra đó là: "Khi độ phủ đã đủ lớn, tiếng vang đã đủ nhiều, dấu ấn đã in đủ khắp nơi, mà tình hình trở nên bất lợi thì chỉ cần công khai trên tất cả các kênh, xin lỗi và bổ sung cho quảng cáo trở nên dễ hiểu, chính xác hơn".

Vậy là thành công lại sẽ kết nối thành công thôi. "Ngầm ghét" hay "Thầm yêu" gì thì rồi cũng thành "Yêu công khai" hết, tin tôi đi! 

Clip quảng cáo sữa chua Ba Vì của công ty Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) chỉ kéo dài vỏn vẹn 19 giây xoay quanh cuộc hội thoại giữa một cậu bé và cha mình.

Nhiều đứa trẻ sau khi xem clip quảng cáo trên tivi đã quay ra chê với mẹ: “Cậu bé kia dốt!”, hoặc một số bạn còn bắt chước, học theo “phép trừ sai” của quảng cáo, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.

 Phạm Hùng Thắng


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang