Quảng Nam: Tăng cường quản lý thương mại điện tử để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

author 16:34 20/11/2023

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng vi phạm hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại trên sàn TMĐT ngày càng phức tạp cần nâng cao hiệu quả quản lý.

Tháng 10/2023, bà Nguyễn Thị Phương (Hội An) đặt mua đôi giày của một thương hiệu thời trang nổi tiếng trên một trang mạng xã hội với giá 700 nghìn đồng, kết quả sau gần 1 tháng sử dụng, đôi giày bị bung chỉ, hở keo dán, bà Phương đành tiếc nuối vứt bỏ.

“Tôi vẫn biết đây là hàng nhái nhưng nhìn mẫu mã đẹp, giá cả cũng rẻ nên quyết định mua, không ngờ nó quá tệ” - bà Phương chia sẻ. 

Thực tế đã có không ít người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái như trường hợp bà Phương. Về vấn đề này, theo ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, bên cạnh nhận thức của người tiêu dùng hạn chế, ham rẻ hoặc không thể phân biệt hàng giả, hàng nhái… thì sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đồng bộ dẫn đến khó truy vết kho hàng và người bán. Hậu quả, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt hại mà người sản xuất, chủ thương hiệu cũng bị ảnh hưởng.

Hoàn thiện các quy trình, kỹ năng, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT để chống hàng giả, hàng nhái. Ảnh minh họa

“Để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng đầu tiên phải có tang vật trong khi mình không bắt được kho hàng, người bán… nên việc xử lý không hề đơn giản. Trong khi, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội rất dễ dàng, do đó việc truy xuất dữ liệu, thu nhập thông tin đối tượng vi phạm gặp rất nhiều khó khăn” - ông Tịnh lý giải.

Thật ra, việc ban hành các giải pháp quản lý TMĐT đã có đầy đủ, tuy nhiên việc thực hiện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đơn cử, Nghị định 52/2013/ND-CP đã quy định hàng hóa, dịch vụ khi được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác ác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định giao kết hợp đồng… Hay Nghị định 85/2021/NĐ-CT cũng quy định, tất cả thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa…

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, TMĐT được xác định là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số mà Quảng Nam đang hướng đến. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy trình, kỹ năng, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT sẽ giúp TMĐT phát triển minh bạch, an toàn nhằm không chỉ hạn chế các hành vi gian lận thương mại mà còn giúp chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Cần sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến TMĐT; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Đặc biệt, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan giúp công tác quản lý, kể cả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên TMĐT được thuận lợi.

Riêng với TMĐT có yếu tố nước ngoài, cần yêu cầu thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT phải thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương. Đưa TMĐT vào trong danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài” - bà Hằng nói.

Liên quan tới vấn đề quản lý hoạt động TMĐT, theo Thượng tá Phạm Công Hải- đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn. Lực lượng công an đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng bán hàng giả, hàng fake của các thương hiệu lớn như: LV, Gucci, Montblanc... Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử cần phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang