Rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19

author 06:48 08/08/2021

(VietQ.vn) - Bộ NN&PTNT vừa có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trực thuộc đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch (cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm sản); xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh; sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển,... nông sản giúp nông dân, bảo đảm nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng.

Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương cần sớm chỉ đạo Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương thành lập các Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và có phương án phòng trừ kịp thời.

Các địa phương cần rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho mùa vụ sản xuất tiếp theo như: Nhu cầu giống cây trồng vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư đầu vào, khả năng cung ứng; dự kiến những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản… để các nhà máy này vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài. Trường hợp các đơn vị vừa nêu phải yêu cầu dừng hoạt động, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tuân thủ thực hiện và sớm hoạt động trở lại.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vacine phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Các tổ thu hoạch nông lâm thủy sản, nhân lực vận hành xe, máy, thiết bị (phương tiện vận chuyển, máy gặt, làm đất, cấy; lò sấy, cơ sở chăn nuôi, giết mổ; chế biến thủy sản, cảng cá, lâm sản...), sản xuất, vận chuyển giống, vật tư nông nghiệp...

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, theo Bộ Công Thương, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, 19 tỉnh thành phố ở phía Nam và cả Hà Nội đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Hoạt động vận tải hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm soát để phòng chống dịch bệnh. Do việc di chuyển giữa các địa phương khó khăn, nên tại nhiều vùng nông sản vào mùa thu hoạch nhưng ít, thậm chí không có thương lái đến thu mua.

Hơn nữa, việc các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TPHCM bị đóng cửa đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, trong khi, theo đại diện Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, 80% tổng số nông sản là do thương lái đảm nhận thu mua. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng thu mua nông sản đã dẫn đến các sản phẩm nông sản càng gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản phải dừng hoạt động do không đủ điều kiện để sản xuất “3 tại chỗ”, làm giảm khối lượng lớn thu mua nông, thủy sản.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, cùng với biến thể virus Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao và nguy hiểm, làm giảm nhu cầu từ phía nhà nhập khẩu, trong khi tại thị trường trong nước, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Điều này làm tiêu thụ nông sản đang khó chồng lên khó.

Theo đại diện Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, nông sản lưu thông qua các chợ đầu mối lên đến trên 70% tổng khối lượng tiêu thụ. Do vậy, để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, vấn đề quan trọng là cần có giải pháp để khai thông các chợ đầu mối, đây là yếu tố rất quyết định.

Cùng với đó, cần rà soát các chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản để giải quyết ách tắc cụ thể từng chuỗi một, như chuỗi cung ứng gạo, chuỗi cung ứng rau quả… bởi mỗi chuỗi cung ứng từng loại nông sản có đặc thù riêng.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang