Rau xanh mơn mởn nhờ thuốc trừ sâu Trung Quốc

author 17:07 06/09/2012

Quanh các ruộng rau ở phường Thới An (TPHCM) chúng tôi thấy vô số chai lọ, bao bì thuốc sâu vứt đầy rẫy trên bờ ruộng. Theo các thông tin ghi trên nhãn, một số thuốc BVTV được sản xuất trong nước, nhưng đa số đều có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, được các Cty trong nước nhập về phân phối cho các đại lý, cửa hàng.

 

Công nghệ pha chế
 
Điều quan ngại là có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong số này không ghi rõ nơi sản xuất, đăng ký lưu hành, hạn sử dụng, chữ trên bao bì lèm nhèm rất khó đọc. Trình độ phân biệt thuốc BVTV “thật - giả” hiện nay của nhiều nông dân còn hạn chế, nhiều cơ quan chức năng cũng lúng túng với những hoạt chất mới, nằm ngoài các chỉ tiêu quy định. Cách pha chế đúng liều lượng để phun cũng là một vấn đề để bàn.
 
“Nếu pha chế như chỉ định, khi phun không diệt được hết sâu bọ. Chúng tôi phải cho đậm đặc lên gấp hai, gấp ba lần”  - anh L.V.H, một hộ dân trồng rau cải bẹ ở P. Tân Thới Hiệp cho hay. Theo cách pha chế như anh H. trình bày, độ độc tố của thuốc trừ sâu thâm nhập vào rau xanh cũng gấp hai, gấp ba lần, trong khi đó thời gian thu hoạch ngắn, khiến các chất độc này rất khó phôi phai.  
Những ruộng rau xanh này đều phun hóa chất, thuốc trừ sâu có nguồn gốc Trung Quốc
Những ruộng rau xanh này đều phun hóa chất, thuốc trừ sâu có nguồn gốc Trung Quốc
 
Theo ông Phạm Đăng Giang, một người dân ở phường Thới An, đáng lẽ những hộ dân trồng rau phải mua đúng các loại thuốc diệt sâu bọ, côn trùng dành cho rau thì họ lại sử dụng các loại thuốc cho cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè... để có độ độc tố cao, tiêu diệt nhanh gọn, hiệu quả tức thì mà không hề biết chất này phun vào rau sẽ gây nguy hiểm như thế nào.
 
Chưa kể, nhiều người bỏ qua cách thức pha chế ghi trên hộp lọ, bao bì mà pha chế theo cảm tính, có khi quá tay, thuốc đậm đặc đến nổi “cháy” luôn cả vạt rau. “Khi họ đến phun thuốc sâu, chúng tôi phải đóng cửa kín mít không dám ra ngoài vì mùi hôi nồng kinh khủng. Đa số diện tích rau xanh ở đây đều do người nơi khác đến thuê trồng, chẳng ai quản lý hay kiểm định gì cả. Theo quy định thì sau khi phun thuốc đúng bảy ngày mới được hái bán, nhưng chúng tôi thấy họ phun được vài ba hôm là gọi thương lái đến cắt, thấy mà hết hồn” - ông Giang cho hay.  
 
Mới đây, Chi cục bảo vệ thực vật Bình Dương đã phối hợp kiểm tra vùng chuyên canh trồng rau muống ở xã Chánh Mỹ, Thủ Dầu Một. Đoàn kiểm tra bất ngờ và sửng sốt khi phát hiện quá nhiều thuốc BVTV, hầu hết là loại chỉ định trên cây lúa, cây công nghiệp, cây ăn trái... Những loại thuốc không được sử dụng cho rau nhưng người dân phun vô tội vạ như  Reasgant 3,6 EC trị rầy nâu, Emaxtin 1,9 EC trị sâu ăn lá, Nipy Ram trị rầy nâu, Carbezim trị nấm... Theo quy định của bộ NN- PTNT (Thông tư 68/2010) thì hoạt chất Chlopyrifos chỉ được tồn tại trong rau khoảng 0,05mg/kg.
 
Tuy nhiên theo kết quả phân tích bằng phương pháp sắc khí của Chi cục BVTV Bình Dương, dư lượng hoạt chất Chlopyrifos lấy từ các mẫu rau tại đây đa số vượt ngưỡng cho phép trên 6 lần (0,33mg/kg), thậm chí có mẫu vượt 111 lần (5,55mg/kg). Một vị cán bộ xã Chánh Mỹ cho biết, những hộ trồng rau muống trên địa bàn xã đều từ nơi khác đến, diện tích trồng khoảng 8ha, bình quân mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 120 - 150 tấn, một năm trên ngàn tấn. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ như hiện nay thì rau muống nhiễm độc tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
 
Cho em xin lại...mấy con sâu
 
Sử dụng rau xanh, sạch là nhu cầu không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân. Tuy nhiên thị trường hiện nay giống như “ma trận”, rất khó để phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do thuốc BVTV, chất kích thích dư thừa trong rau quả thời gian qua trở nên báo động khiến người tiêu dùng hoang mang.    
 
Chị Nguyễn Thị Hà (ở phường Tân Quy, Q7) mỗi lần đi chợ đều phải quan sát thật kỹ các loại rau. Nghe báo đài đưa tin các vụ ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng mà chị rùng mình. Theo “kinh nghiệm” mà các bà nội trợ truyền lại thì nên chọn những loại rau có màu xanh đậm, lá cành ít bóng  mượt, không quá tốt, đặc biệt là có con sâu, rầy nào đó bám trên rau thì càng tốt. Thế nhưng xoay quanh chuyện bếp núc của chị Hà cũng có sự cố khôi hài. Chị kể: “Có hôm mình ra chợ, mừng húm khi lựa được một mớ rau tươi ngon, trên cành còn dính mấy con sâu. Nghĩ là rau sạch nên mình quyết định mua về để dành ăn dần. Thế nhưng khi trả tiền xong, anh bán rau đề nghị xin lại mấy... con sâu, mới hay mình bị lừa. Thời buổi bây giờ lo được bữa cơm ngon miệng, an toàn cho chồng con đến mướt cả mồ hôi”.
 
Để tránh bị ngộ độc, nhiều bà nội trợ còn sắm luôn máy ozon rửa rau quả vì cứ nghĩ sau khi được rửa khí ozon sẽ hút hết thuốc trừ sâu ra. “Lên mạng thấy người ta mách nước thế thì về cũng cố gắng sắm một cái. Sức khỏe, tính mạng con người, người trồng rau có thèm quan tâm, có lời là họ làm tuốt, hậu quả đến đâu không cần biết” - chị Lâm Thị Chung, Q5 cho hay. Thế nhưng theo giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, sau khi xâm nhập vào rau, thuốc trừ sâu đã bị chuyển hóa, không có cách gì hút ra được. Ozon chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn không có bào tử, như vậy dùng thuốc tím hay nước muối thuận tiện và rẻ hơn nhiều. 
 
Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mới đây, 90% người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là rau an toàn, đâu là rau không an toàn bằng mắt thường. Ngay cả với các cơ quan chức năng thì việc kiểm nghiệm rau có dư lượng thuốc hóa học, vi sinh vật, ký sinh trùng hay dư lượng các kim loại nặng, đạm nitrat (NO3) trong rau cũng hết sức khó khăn. “Nói thật chúng tôi đi chợ bây giờ chỉ dựa vào cảm tính, về cố gắng rửa kỹ cho an tâm chứ chả biết làm thế nào. Kiểm tra chất lượng rau an toàn phải làm từ gốc, chứ đến tay người tiêu dùng rồi thì đành bó tay” - bà Phạm Thị Lan, đầu bếp một khách sạn ở Q6 cho hay. 
 
Trên thị trường hiện nay có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn hay không thì cũng rất khó kiểm chứng. Khái niệm về RAT vẫn chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể, trong khi người tiêu dùng có những cách hiểu khác nhau về RAT. Một trở ngại hiện nay nữa là giá thành RAT đến tay người tiêu dùng còn khá cao, đắt hơn rau thường khoảng 20% - 50%.

Kẻ thừa người thiếu
 
Là địa phương có nhu cầu tiêu thụ rau quả lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung - cầu, dư lượng thuốc BVTV, chất kích tthích, kim loại nặng trong rau quả. Mỗi năm thành phố xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, có vụ dẫn đến chết người.   
 
Để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua thành phố đã không ngừng mở rộng diện tích, quy hoạch các vùng trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam).
 
Theo ông Lê Minh Dũng - Phó giám đốc Sở NN và PTNT TPHCM thì trên địa bàn thành phố hiện có 182 tổ chức, các nhân sản xuất RAT được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 90ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn/năm. Trong đó các loại rau trồng theo tiêu chuẩn an toàn rất đa dạng như: rau muống, rau dền, dưa leo, khổ qua, mồng tơi... Tuy nhiên do chưa có sự đồng bộ trong chuỗi sản xuất cung ứng rau sạch nên sản phẩm rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Theo các HTX trên địa bàn thành phố thì số lượng rau quả an toàn sản xuất ra hàng tháng rất nhiều nhưng lượng được tiêu thụ cho các đơn vị nhà hàng, hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể... chỉ chiếm số ít, còn lại phải bán ra các chợ đầu mối với giá như rau thường. “Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí cao, năng suất thấp, thời gian thu hoạch kéo dài nhưng bán ra thị trường với giá như vậy thì bà con chúng tôi lấy động lực đâu mà làm” - anh Lê Văn Phú (ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) cho hay.  
Thuốc sâu ngoài danh mục dùng phun cho rau xanh tại phường Thới An, Q12
Thuốc sâu ngoài danh mục dùng phun cho rau xanh tại phường Thới An, Q12
 
Trong khi các HTX sản xuất RAT than phiền về sản phẩm của họ ít được tiêu thụ, giá cả chưa tương xứng, thì đại diện các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Metro, BigC... lại kêu ca không đủ rau để mua! Cái bất cập, khúc mắc ở đây là chủng loại các loại rau.
 
Do nhu cầu rau xanh rất đa dạng của người tiêu dùng nên mỗi siêu thị phải có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại rau để khách hàng lựa chọn, nhưng vùng sản xuất rau thành phố lại không thể đáp ứng đủ yêu cầu này. “Người trồng rau ở TPHCM thích trồng những loại rau ngắn ngày, dễ trồng, có giá trị thấp như rau muống, mồng tơi, bầu, bí, cải bẹ, khổ qua... trong khi những loại rau có thế mạnh, chất lượng lại dần biến mất như đậu cô ve, cải nồi, súp lơ... Rõ ràng có sự trái ngược giữa người sản xuất thích những loại rau dễ trồng, thu hồi vốn sớm, trong khi đó thị trường cần những loại rau ngon, bổ dưỡng. 
 
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm RAT ở TPHCM bí đầu ra là do kênh phân phối còn yếu, sản phẩm không có dấu hiệu để nhận diện, ít được người tiêu dùng biết đến. Ngoài ra, những trở ngại về giá, phương thức giao hàng đã tạo nên khoảng cách giữa người nông dân với kênh phân phối hiện đại. Sâu xa hơn, nền sản xuất của còn manh mún, chưa đảm bảo tốt về số lượng, chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm khiến bên “cung” và bên “cầu” khó gặp nhau.
 
Khó kiểm soát
 
Tại các khu chợ ở thành phố, nhiều tiểu thương cho biết họ mua rau từ các chợ đầu mối, người bỏ hàng chứ không biết nguồn gốc rau ở đâu. “Nhìn thấy ngon đẹp là đặt mua chứ hơi sức đâu mà truy hỏi xuất xứ. Có bà nội trợ nào ra chợ hỏi chúng tôi rau này được sản xuất ở đâu, có an toàn không?” - chị Lê Thị Dung, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh cho hay.
 
Về chất lượng rau xanh ở chợ, nhiều người cho rằng chưa thật sự an toàn, có khi dư thừa thuốc BVTV, chất kích thích. “Rau sạch thường được đóng bao bì, có dấu hẳn hoi, bán trong các cửa hàng, siêu thị nhưng giá lại quá cao khiến người tiêu dùng chưa thật sự mặn mà” - bà Hoàng Lan Phương, ngụ Q2, cho biết. Thực ra không phải loại rau nào vào siêu thị cũng có nguồn gốc rõ ràng.
 
Có siêu thị không chỉ lấy hàng từ các quận, huyện trong thành phố mà nhập ở Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây thông qua các đơn vị bỏ mối. Khi giao hàng, đơn vị trung gian này trình ra “giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, còn nguồn gốc xuất xứ cụ thể thì đành chịu thua. 
 
Tại chợ nông sản Thủ Đức, bình thường lượng rau về chợ khoảng 1.300 tấn/đêm, dịp cao điểm khoảng 1.800 tấn. Nguồn rau chủ yếu từ Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang... và rau ngoại nhập, chủ yếu của Trung Quốc. Mỗi đêm tổ kiểm định chợ đầu mối đều lấy một số mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu. Nói là kiểm định nhưng mục đích chính là để thống kê vì nếu có phát hiện vi phạm cũng không thể truy xuất được nguồn gốc.
 
Đối với rau củ ngoại nhập thì không lấy mẫu kiểm định vì đó là trách nhiệm của đơn vị chức năng ở các cửa khẩu trước khi nhập vào Việt Nam. Có trường hợp phát hiện mẫu rau dương tính với thuốc trừ sâu bằng phương pháp phân tích nhanh đã báo cáo lên Chi cục BVTV thành phố, tuy nhiên khi văn bản chưa xuống thì rau cũng đã về các chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng. 
 
Hiện nay phương pháp kiểm tra nhanh thuốc BVTV trên rau được áp dụng phổ biến bằng bộ dụng cụ GT-Test Kit. Mỗi bộ có thể thử được 10 mẫu rau quả, chi phí mỗi mẫu là 15.000 - 20.000 đồng, chỉ bằng 1/10 so với việc phân tích bằng máy. Tuy nhiên phương pháp này cũng có hạn chế là chỉ phát hiện được dư lượng các thuốc BVTV gây ngộ độc cấp tính thuộc nhóm lân hữu cơ, nhóm cacbomat và các độc chất ức chế cholinesterase chứ không phát hiện được các độc chất gây hại lâu dài cho cơ thể. Ngoài ra, phương pháp này cũng chỉ cho biết dư lượng thuốc có vượt mức cho phép hay không chứ không định lượng được.
 
Hiện tại chưa có quy định bắt buộc người trồng rau, kinh doanh rau phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ rau nên khi phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu thì không thể truy nguyên nguồn gốc để chấn chỉnh sản xuất.
 
Theo ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Sở NN - PTNT TPHCM, đối với rau Trung Quốc, trách nhiệm của đơn vị chức năng ở cửa khẩu. Khi rau này về chợ tiếp tục lấy mẫu, từ 2 - 3 lần/tháng để xét nghiệm. Còn rau nội địa do chưa có cơ chế để xử phạt tại chỗ. Ở một số nước khác áp dụng kết quả phân tích nhanh để từ chối rau quả nhập vào chợ, nhưng ở nước ta sau khi có kết quả test nhanh còn phải tiếp tục phân tích kết quả cụ thể, mất từ 7 ngày đến 2 tuần. Như vậy nên rất khó có thể xử phạt.
 
Theo CATP
 
 

 

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang