Rụng tóc từng mảng cảnh báo nhiều loại bệnh nguy hiểm

author 07:01 02/05/2023

(VietQ.vn) - Tóc không chỉ giúp con người hoàn thiện về thẩm mỹ mà còn cảnh báo tình trạng sức khỏe khi cơ thể mắc các loại bệnh mà bản thân khó nhận biết.

Rụng tóc từng mảng là gì?

Rụng tóc từng mảng (alopecia areata) là tình trạng tóc bị rụng thành từng mảng nhỏ khiến người bệnh khó nhận biết được. Chứng rụng tóc này thường phát triển khi hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các nang tóc và khiến tóc bị rụng. Rụng tóc đột ngột có thể xảy ra trên da đầu, lông mi, lông mày, lông mặt và các bộ phận khác của cơ thể. Nó thường phát triển chậm và có nguy cơ tái phát bệnh sau nhiều năm điều trị. Nhìn chung, số lượng tóc rụng ở mỗi người là khác nhau. Có người chỉ bị rụng tóc ở một số điểm trên da đầu, nhưng cũng có người bị rụng rất nhiều, thậm chí nghiêm trọng hơn là rụng tóc toàn bộ.

Nguyên nhân dẫn đến rụng tóc từng mảng

Rụng tóc từng mảng là một tình trạng tự miễn dịch, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể bạn bị nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh với những chất lạ. Thông thường, hệ thống miễn dịch giữ chức năng bảo vệ cơ thể bạn chống lại những “kẻ xâm lược” từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như vi khuẩn và vi rút. Tuy nhiên, khi bị rụng tóc từng vùng, hệ miễn dịch sẽ tấn công nhầm các nang tóc của bạn, khiến các nang tóc không thể hoạt động theo chu trình bình thường, từ đó gây ra tình trạng rụng tóc.

Rụng tóc từng mảng là một tình trạng tự miễn dịch, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể bạn bị nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh với những chất lạ. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng một số yếu tố nhất định trong môi trường có thể làm kích hoạt chứng rụng tóc từng mảng ở những người có khuynh hướng di truyền với nó. Người mắc chứng rụng tóc từng mảng thường có liên quan các bệnh dị ứng, bệnh tự miễn hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm ruột và vẩy nến. Tình trạng viêm nhiễm mạn tính của các bệnh này làm gia tăng căng thẳng oxy hóa - yếu tố thúc đẩy quá trình xơ cứng khớp, tai biến mạch máu não. Tự miễn dịch là những rối loạn làm hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính cơ thể. Sự tự tấn công này có thể tấn công các nang tóc và tạo ra chứng rụng tóc từng mảng hoặc gây ra sự kết dính của các tế bào máu, hình thành cục máu đông, viêm mạch máu trong não dẫn đến đột quỵ.

Bệnh nhân mắc rụng tóc từng mảng có tỷ lệ rối loạn chức năng tuyến giáp cao hơn. Viêm tuyến giáp, suy giáp và cường giáp có thể làm thay đổi tình trạng đông máu và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bị rụng tóc từng mảng cũng có tỷ lệ mắc bệnh mỡ máu và dị tật tim bẩm sinh cao hơn bình thường. Điều này có thể khiến những bệnh nhân này có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến người bệnh căng thẳng tâm lý, trầm cảm và lo lắng, tác động bất lợi đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần làm tăng khả năng bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo nghiên cứu năm 2015 của Bệnh viện Đại học Y khoa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), rụng tóc từng mảng là dấu hiệu cho thấy nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 3.200 bệnh nhân mắc chứng rụng tóc từng mảng trong 3 năm, kết quả cho thấy có 5,4 % người mắc đột quỵ trong thời gian theo dõi. Khả năng xảy ra đột quỵ ở người mắc chứng rụng tóc từng mảng cũng cao gần gấp đôi so với người không mắc bệnh này.

Rụng tóc từng mảng khác và ít phổ biến hơn nhiều so với các kiểu rụng tóc thông thường. Dấu hiệu nhận biết là những vùng hói và rụng tóc không đều. Tình trạng này xảy ra ở những khu vực tập trung nhất định, tạo ra những mảng hói đột ngột và có thể xuất hiện ở độ tuổi 20, kéo dài trong suốt cuộc đời. Thông thường, tóc mọc lại những chỗ hói này nhưng có kết cấu hơi khác với tóc xung quanh. Rụng tóc từng mảng hoàn toàn không giống chứng hói đầu thông thường hay đường chân tóc bị tụt ở một số nam giới khi bước vào tuổi trung niên. Chứng hói đầu ở nam giới thường diễn ra từ từ và gây ra một vùng tóc mỏng hình tròn ở đỉnh đầu hoặc đường chân tóc lõm ở trán. Tóc của phụ nữ cũng mỏng đi (rụng và gãy thông thường) khi sang tuổi 30, sau sinh hoặc do căng thẳng nhưng thường xảy ra dần dần và phân bổ khắp đầu, không phải từng mảng. Các tình trạng rụng tóc thông thường này không liên quan nguy cơ đột quỵ. Bạn nên kiểm tra các yếu tố có thể làm tăng khả năng đột quỵ gồm tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và cholesterol cao, bệnh tự miễn, bệnh tuyến giáp. Điều trị các bệnh lý này có thể kiểm soát nguy cơ đột quỵ. Giảm căng thẳng cũng có thể làm giảm khả năng đột quỵ.

Chăm sóc tóc tại nhà ngăn ngừa bệnh rụng tóc từng mảng

Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tóc khác nhằm giúp cải thiện chứng các triệu chứng của rụng tóc từng mảng. Các biện pháp này thường bao gồm chải tóc nhẹ nhàng, không nhuộm tóc, uốn tóc hoặc buộc tóc quá chặt. Ngoài ra, bạn cũng nên đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài để bảo vệ tóc khỏi ánh nắng mặt trời. Việc kiểm soát sự căng thẳng cũng là một bước vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tình trạng rụng tóc từng mảng. Một số nghiên cứu cho rằng, sự căng thẳng quá mức có thể là yếu tố kích hoạt phát triển chứng rụng tóc từng mảng và chứng rụng tóc Telogen.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang