Rước thêm bệnh vào người do thuốc tây giả trên mạng

author 21:30 16/09/2016

(VietQ.vn) - Mua thuốc tây trên mạng, người bệnh mua phải thuốc giả, không những không hết mà bệnh còn nặng hơn.

Tiền mất tật mang

Theo Thanh niên, cuối tháng 7 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) Bộ Công an đã bắt quả tang Mai Thị Xuyến (38 tuổi, ngụ P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) khi Xuyến đang mua bán 37 hộp thuốc chữa bệnh viêm gan B các loại. Tiến hành khám xét nơi ở của Xuyến, C74 phát hiện nhiều loại thuốc nhập lậu, thuốc không tem nhãn. Lô hàng này trị giá 200 triệu đồng.

Các loại thuốc tây nhập lậu, không nguồn gốc, thậm chí bị làm giả...bị công an thu giữ, triệt phá  

Tại CQĐT, Xuyến khai nhận lấy hàng từng đợt, mỗi đợt vài trăm triệu đồng, sau đó bán cho cá nhân, hoặc các tiệm thuốc tây ở TP.HCM.

Số hàng này Xuyến lấy lại từ nhiều mối ở Việt Nam, giá rẻ hơn 1/3 so với giá thị trường. Ví dụ thuốc trị viêm gan B mỗi hộp 14 triệu nhưng Xuyến chỉ bán 8 triệu/hộp. Vì giá rẻ nên khách của Xuyến rất đông. Xuyến còn phân phối hàng về các tỉnh thành lân cận TP.HCM. Hằng ngày, Xuyến lên các mạng xã hội, rao bán "dược phẩm xách tay" nhưng thực chất đều là hàng không đảm bảo chất lượng.

Chồng của Xuyến cũng lên mạng xã hội, xưng là "dược sĩ Phúc", rao thông tin về các loại thuốc nhập. Vợ chồng "dược sĩ Phúc" còn kỳ công đăng tải các đơn thuốc, phiếu xét nghiệm (đã được chỉnh sửa) trước và sau khi uống thuốc của vợ chồng Xuyến để chứng mình bệnh thuyên giảm hoặc hết bệnh.

Nhiều người thấy rẻ mua về uống, nhưng bệnh thì không thấy khỏi đi khám bác sĩ bảo nặng hơn.

Thuốc giả "đặc trị ung thư"

Thủ đoạn của các đường dây buôn bán thuốc giả này là sản xuất, đóng gói thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, nhắm đến các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng có xuất xứ ngoại nhập. Các sản phẩm giả này sau đó tìm cách "lọt" vào các tiệm thuốc tây, thậm chí vào cả bệnh viện. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc "đặc trị ung thư" cũng bị làm giả.

Thuốc giả được nhập từ Trung Quốc, đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ nước ngoài. Cơ quan công an từng bắt một nhóm mua thuốc nội rồi xé nhãn mác cũ thay thế tem sản phẩm xuất xứ nước ngoài, mà mắt thường không thể nhận biết được thuốc giả hay thật.

Thuốc nhập lậu, kém chất lượng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng

Các đường dây buôn bán thuốc giả này chủ động lên các mạng xã hội rao thông tin giới thiệu "là dược sĩ, là bác sĩ" kèm theo số điện thoại, email tư vấn, rồi tranh thủ bán thuốc giả. Người mua nếu trót tin vào "chất lượng hàng ngoại nhập" theo tư vấn của các "dược sĩ, bác sĩ" này chỉ có rước thêm bệnh vào người.

“Tình trạng mua bán thuốc tây giả, thực phẩm chức năng giả đáng báo động, vì vậy mọi người phải hết sức cảnh giác, mua thuốc chữa bệnh phải có hóa đơn của bác sĩ, tránh dễ dàng tin vào lời giới thiệu trên mạng mà mua phải thuốc giả. Hiện cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ các đường dây mua bán thuốc giả nói trên”, một lãnh đạo C74 cho biết.

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cảnh báo các loại thuốc này thường không qua kiểm nghiệm, không được kiểm soát về chất lượng nhưng được các nhà thuốc bán, phối hợp thuốc vô tội vạ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng.

Trước tình trạng trên, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình thuốc lậu rất khó kiểm soát khi chế tài chưa đủ nghiêm, nhân lực thanh tra y tế thì mỏng. Nếu nhà thuốc vi phạm bán thuốc lậu 2, 3 lần thì phải tính như thế nào chứ không thì phạt nhẹ như gãi ngứa, không thấm vào đâu so với tiền lời bán thuốc lậu.

Lê Chính (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang