Sử dụng bình nóng lạnh: Sai lầm ‘chết người’ tại người dùng?

author 06:54 01/11/2018

(VietQ.vn) - Mùa đông, ngoài những đồ dùng để sưởi ấm như: máy sưởi, bếp sưởi, chăn điện… thì bình nóng lạnh cũng là vật không thể thiếu trong mỗi nhà tắm. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách sẽ dẫn tới nhiều rủi ro.

"Tắm chung với thần chết"

Thị trường đồ gia dụng đang vào mùa đông sôi động hơn bao giờ hết. Các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu: máy sấy tóc, bếp sưởi, ấm siêu tốc, chăn điện, đặc biệt là bình nóng lạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉ lệ người nhập viện do cháy, nổ, điện giật khi sử dụng bình nóng lạnh tăng lên. Các chuyên gia cảnh báo, thái độ thờ ơ, thiếu hiểu biết… về bình nóng lạnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người “rước họa vào thân”.

Khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tại một số khu dân cư trên địa bàn quận Cầu Giấy về mức độ nhận thức, hiểu biết khi sử dụng bình nóng lạnh vào mùa đông. Hầu hết cho rằng, bình nóng lạnh cháy là do cũ và rò rỉ điện.

Bình nóng lạnh chuẩn phải có đầy đủ thông tin về xuất xứ, dấu chứng nhận hợp quy CR theo quy định.

Chủ một cửa hàng bán đồ gia dụng trên đường Xuân Thủy cho biết khi khách hàng mua bình nóng lạnh sẽ được hướng dẫn lắp đặt cẩn thận. Do đó, nếu xảy ra tình trạng nổ, điện giật khi tắm là do người sử dụng sai cách.

Khi được hỏi về cách sử dụng bình nóng lạnh tại gia đình, bạn Nguyễn Thu Hường (sinh viên trường ĐH Chính sách và Phát triển) cho biết bố mẹ thường bật bình nóng lạnh cả ngày. Họ cho rằng, để như vậy sẽ đảm bảo có nước ấm dùng liên tục. Khi bình nước đã nóng, rơ le sẽ tự ngắt điện, kể cả khi tắm.

Thờ ơ và những cái chết không báo trước

Thực tế cho thấy, khi sử dụng bình nóng lạnh, người dùng không ít lần rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm khi sản phẩm này cháy, nổ, rò rỉ điện. Cách đây không lâu, một người đàn ông 45 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc sống tại Bình Dương đang tắm thì đột nhiên bình nóng lạnh bốc hỏa. Dù không thiệt mạng nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh nhiều hộ gia đình đang chủ quan khi sử dụng bình nóng lạnh.

Chia sẻ về những rủi ro khi bình nóng lạnh cháy, nổ, hở điện ông Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự nhận định, việc cắm bình nóng lạnh 24/24 là một trong những nguyên nhân dẫn tới “hiểm họa” không lường trước.

Ông phân tích, rơ le chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước của bình. Khi sử dụng, nhiệt độ nước thấp thì rơle tự động cấp điện, nhiệt độ nước cao rơle tự động cắt điện, chứ không có chức năng bảo vệ chống điện rò ra nước. Việc cắm điện liên tục khiến dây mayso, dây dẫn… có thể bị hỏng do hoạt động quá tải gây ra rò điện.

Cùng quan điểm ông Bảo, các chuyên gia về điện lạnh cho rằng khi lắp bình nóng lạnh, không ít gia đình bỏ qua chi tiết lắp dây nối tiếp đất. Trong khi đây là một bộ phận quan trọng giúp tránh rò rỉ điện từ bình và giảm nguy cơ giật điện.

Người dùng nên kiểm tra bình nóng lạnh 3 tháng/lần để phát hiện hỏng hóc

Ngoài những yếu tố trên, nguồn nước cũng là một trong những tác nhân dẫn tới hỏng bình nóng lạnh. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nguồn nước là yếu tố quyết định độ bền của thanh Magie giúp chống axit ăn mòn thành bình. Nếu gia đình sử dụng nước giếng khoan thì sau khoảng 2 năm, nước bắt đầu bị cặn bẩn và sắt dễ làm mòn thanh Magie, giảm độ an toàn của bình. Hoặc gia đình sử dụng phải nguồn nước bẩn, khi bị rò điện, khả năng dẫn điện sẽ cao hơn, làm tăng nguy cơ bị điện giật.

Cuối cùng, việc thờ ơ, không thường xuyên vệ sinh bình nóng lạnh, cũng là nguyên nhân dẫn tới hỏng hóc, chập, cháy bình. Bởi bình nóng lạnh thường lắp trên cao, các thiết bị như dây điện lắp chung với ống nước lâu ngày không được vệ sinh sẽ bị giòn, gãy; vỏ bình bị nứt, bong tróc gây thấm nước dẫn điện ra bên ngoài.

Để an toàn khi sử dụng bình nóng lạnh, các chuyên gia khuyến cáo, người dùng nên bật bình trước khi sử dụng khoảng 30-45 phút. Khi tắm thì ngắt điện để tránh các sự cố rò rỉ điện gây giật.

Khi lắp đặt, gia đình nên lắp dây nối tiếp đất để tránh gây ra tai nạn bất ngờ. Bên cạnh đó, liên tục vệ sinh téc nước, giếng nước để loại bỏ cặn bẩn, làm ảnh hưởng tới bình nóng lạnh. Các gia đình nên kiểm tra và bảo dưỡng bình 3 tháng một lần để có thể tăng độ bền và giúp bảo vệ an toàn cho mọi người.

Các chuyên gia cũng cảnh báo ngoài bình nóng lạnh, bàn là, lò nướng điện, ấm điện siêu tốc nồi cơm điện....đều nằm trong nhóm đồ điện gia dụng có khả năng gây rò rỉ, cháy nổ cao. Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử QCVN 4: 2009/BKHCN, bình đun nước nóng bằng điện có dự trữ (sau đây gọi tắt là bình đun nước nóng) dùng trong gia đình và các mục đích tương tự có dung tích đến 40 lít phải đảm bảo an toàn, phù hợp quy chuẩn quốc gia. Theo đó, bình đun nước nóng phải đảm bảo an toàn theo TCVN 5699-2-21 : 1007 (IEC 60335-2-21 : 2004).

 

Triệu Vy

'Rước họa vào thân’ vì dùng đồ sưởi điện sai cách(VietQ.vn) - Máy sưởi, bếp sưởi, chăn điện… là những vị “cứu tinh” trong mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên đề phòng khi sử dụng, tránh chủ quan dẫn tới cháy nổ, chết người.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang